HAGL đang đối diện nguy cơ "chảy máu" lực lượng sau khi mùa giải 2022 khép lại. Những Văn Toàn, Hồng Duy, Văn Thanh, Công Phượng... đều đang dính tin đồn nói lời chia tay HAGL để tìm kiếm bến đỗ mới. Các đội bóng cũng được cho sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đổi lấy sự phục vụ của những ngôi sao phố Núi.
Thực tế, những cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo HAGL – Arsenal – JMG vốn có một ràng buộc từ khi được tuyển sinh và đào tạo. Họ sẽ không được tự do chuyển nhượng đến các đội bóng khác trước khi đến độ tuổi nhất định. Vì vậy, bao nhiêu năm qua, hàng loạt cầu thủ rời đi chỉ theo dạng cho mượn rồi quay về với HAGL.
Chính sách này của HAGL không biết có phải là do những thỏa thuận của đối tác Arsenal – JMG hay không, nhưng nếu xét ở khía cạnh bóng đá chuyên nghiệp, nó không giúp gì nhiều cho các cầu thủ.
Dĩ nhiên, khoác áo HAGL, các cầu thủ được thụ hưởng một môi trường chơi bóng tốt, thu nhập ổn định và được hệ thống truyền thông của CLB “nâng đỡ” rất nhiều về mặt hình ảnh đi kèm với các khoản thu tiềm năng. Sự thành đạt về khía cạnh cá nhân của những Xuân Trường, Văn Toàn hay Công Phượng,... là ví dụ điển hình.
Thế nhưng, hãy xem xét kỹ khía cạnh chuyên môn. Không ai trong số họ vượt qua được những gì mà họ đã từng tỏa sáng cách đây 5 năm. Bằng chứng là vị trí của họ trong đội tuyển quốc gia không còn là không thể thay thế. Thành tích của HAGL theo quá trình trưởng thành của họ cũng chưa có gì đặc biệt.
Nếu xem đây là một quá trình đầu tư thì các “sản phẩm” của HAGL tốt thì vẫn tốt nhưng hoàn toàn không có gì khác biệt so với những nơi khác. Chưa kể, việc càng giữ lâu nhóm cầu thủ nói trên càng khiến nhóm học viên khóa sau không có cơ hội thi đấu.
Tuổi đẹp nhất của sự nghiệp một cầu thủ là khoảng 26-28 tuổi. Đó là lúc mà tài năng được rèn giũa sẽ hòa quyện cùng kinh nghiệm, giúp cầu thủ vươn đến đỉnh cao. Thế nhưng, với các cầu thủ HAGL, sự ngờ vực không thể phát triển thêm nữa là rất lớn.
Bởi lẽ, họ đã bị "nhốt" quá lâu trong vùng an toàn. Hay nói cách khác, quãng thời gian thanh xuân đẹp đẽ nhất của họ tại HAGL cũng đã “vắt kiệt” những khát khao chơi bóng của một đời cầu thủ. Minh Vương đã từng nói vui rằng mình "dành cả thanh xuân để trụ hạng". Nhiều năm thi đấu không danh hiệu, không có tham vọng rõ ràng khiến tinh thần và khao khát của dàn sao HAGL bị mai một đáng kể.
Nếu chuyển đi, tiếp tục đá tốt thì không nói làm gì, nhưng lỡ như không hòa nhập được với các đội bóng mới do thói quen chơi bóng an toàn từ thời còn ở HAGL, thì hóa ra lúc đáng lẽ phải có thu nhập tốt nhất thì trở thành kém nhất?!
Lấy Quang Hải hay thủ thành Văn Lâm làm ví dụ. Cả 2 đều chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn và dấn thân vào những thử thách mới. Ngay cả khi được xem là xuất ngoại thất bại, sự nghiệp của Quang Hải và Văn Lâm cũng chẳng mất mát gì to lớn.
Trong khi đó, Công Phượng và các đồng đội vẫn mãi ở lại HAGL, xen vào đó là một số lần xuất ngoại trong thời gian ngắn, rồi lại đi. Tính ra, nhóm cầu thủ khóa 1 đều được đôn lên đá V.League năm 19 tuổi nhưng phải mất tới gần 10 năm để được rời HAGL thực sự.
Đây không phải là một chọn lựa tốt đối với một cầu thủ chuyên nghiệp khi thời điểm khai phá tiềm năng chơi bóng chỉ loanh quanh tại một đội bóng, một kiểu chơi. Đây cũng không phải là vấn đề của lòng trung thành, mà là sự thách thức về mặt nghề nghiệp đối với mỗi cá nhân.
Giờ đây, tuy đã muộn nhưng cần thiết. Các cầu thủ HAGL sẽ thực sự được trải nghiệm, được thử thách và được chứng minh năng lực ở một màu áo khác. Người hâm mộ chắc chắn sẽ rất buồn khi không còn được nhìn thấy lứa 1 HAGL JMG sát cánh cùng 1 màu áo.
Nhưng thay vì trách cứ, hãy cảm thông và hiểu cho quyết định của mỗi cầu thủ. Tôn trọng cả người lựa chọn tiếp tục gắn bó và cả người rời đi. Đã đến lúc, những Văn Toàn, Công Phượng,... bỏ lại thanh xuân nơi phố Núi để chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp.