Dân Việt

Ký ức Hà Nội: Nhọc nhằn thời lam lũ, mưu sinh

Trần Minh 13/09/2022 06:37 GMT+7
Giờ đây, khi đến đường đê Tô Hoàng, vẫn còn những ngôi nhà cũ được xây dựng bằng gạch xỉ ẩm thấp, rêu phong bên cạnh những ngôi nhà mới được xây bằng khung cột bê tông cốt thép hiện đại...

Một Hà Nội kiêu sa, một Hà Nội kẻ chợ, một Hà Nội phồn hoa... Nhưng Hà Nội đâu chỉ có vậy! Ngay trong nội thành, vẫn có một Hà Nội lam lũ, một Hà Nội nhọc nhằn mưu sinh. Trong cái khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ bao cấp, người ta nghĩ ra đủ cách để có thêm thu nhập: Người nuôi lợn, nuôi gà, và sống cùng chúng trong những căn hộ tập thể cao tầng chật chội.

Người nhận đan len, thêu thùa; người kiếm thêm bằng việc thức khuya, dậy sớm, chầu chực ở các vòi nước công cộng để gánh nước thuê; người đi làm công sở về thi tranh thủ vác chiếc bơm ra vỉa hè kiếm vài đồng trợ giúp vợ con mớ rau, cân muối...

Ký ức Hà Nội: Nhọc nhằn thời lam lũ, mưu sinh - Ảnh 1.

Người dân vất vả mưu sinh. Ảnh: Chinh Hoàng.

Với gia đình tôi, hay nói rộng hơn, là với nhiều gia đình sinh sống trên đường đê Tô Hoàng - con đê nhỏ ở cửa ô Cầu Dền, chạy dọc theo một nhánh sông Tô Lịch (nhánh Kim Ngưu) vắt ngang qua đầu phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng thì có một nghề khác: Nghề đóng gạch xỉ (hay còn gọi là đóng gạch ba banh).

Chẳng biết ai là người đầu tiên sáng lập ra cái nghề này ở đường đê Tô Hoàng. Nhưng có lẽ, nó xuất phát từ chính nhu cầu tự thân của những người dân nơi đây. Thời đó, mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn. Để cơi nới, cải thiện chỗ ở, phải xin xỏ, xét duyệt tiêu chuẩn từng viên gạch đỏ (gạch nung), từng bao xi măng, còn nếu mua ngoài thì giá cả khá đắt đỏ, vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình!

Trong "cái khó ló cái khôn", người ta đã "tự cứu lấy mình" bằng cách đi xin xỉ than ở các bếp ăn tập thể về; rồi mua mấy tạ vôi ở Xí nghiệp vôi Ba Nhất, đào hố, tự "tôi" lấy vôi, nhào trộn với xỉ than thành vữa để đóng gạch xỉ. Tiết kiệm vôi, có người còn đến các tiệm hàn xì xin bã đất đèn, trộn thêm để gia tăng độ kết dính, chắc chắn cho viên gạch. 

Căn nhà 2 tầng là tổ ấm của bố mẹ và anh em chúng tôi, đã tồn tại gần nửa thế kỷ qua là dấu tích đầy kỷ niệm, được làm từ đôi bàn tay, mồ hôi, sự nhọc nhằn của cha mẹ chúng tôi trong những năm tháng khó khăn ấy. Mỗi ngày khi đi làm về, cha mẹ tôi lại kéo xe cải tiến đi đến các bếp ăn, tiệm phở, quầy ăn uống quốc doanh để xin xỉ than về đóng gạch. Gạch đóng xong được phơi khô, xếp lên từng "kiêu". 

Khi không còn chỗ để thì tiến hành xây tường; hết gạch thì lại tạm dừng lại để đóng tiếp. Cứ vậy, phải trong vài năm, căn nhà của gia đình tôi mới hình thành theo cách tạm bợ, chắp vá như thế. Mới đây, khi đập căn nhà cũ này để xây dựng lại, tôi đã phát hiện ra cốt sắt đổ bê tông được cha tôi tận dụng từ nẹp những vỏ thùng phuy sắt cũ. Đúng là chỉ trong khó khăn, thiếu thốn mới nghĩ ra được những sáng kiến như vậy...

Từ một người đóng gạch xỉ sử dụng cho gia đình mình, học hỏi nhau, rồi nhiều người trên đê cùng đóng gạch xỉ để sửa chữa, cơi nới, xây dựng nhà ở. Người ở nơi khác qua, thấy dân ở đây đóng gạch xỉ nhiều, tưởng là đóng để bán nên hỏi mua. Thế là một xóm nghề hình thành từ đó.

Tôi vẫn nhớ những buổi đi học về, giữa trưa hè nắng gắt; cha hoặc mẹ lại kéo xe cải tiến đi xin xỉ than về đóng gạch bán. Nhà đông anh em, thấy cha, mẹ kéo xe đi, đứa nọ nhìn đứa kia để thăm dò tinh thần tự giác của nhau. Nhưng rồi, dù có chần chừ, đùn đẩy; dù có ganh tỵ, ỷ lại nhau; song, vẫn sẽ có một ai đó lững thững đi theo cha, mẹ; không bao giờ, chúng tôi để cho cha, mẹ phải kéo xe nặng một mình.

Ký ức Hà Nội: Nhọc nhằn thời lam lũ, mưu sinh - Ảnh 3.

Những người bán hàng rong mưu sinh tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Chinh Hoàng.

Có những lần theo cha mẹ vào bếp ăn của một nhà hàng để xin xỉ than, mùi thức ăn xào nấu thơm phức. Những thực khách đang ăn uống, cười nói vui vẻ ngoài kia; còn mình thì vừa đi học về, bụng đang cồn cào đói... Nhìn thấy họ mà tủi thân, chạnh lòng! Đoán được tâm trạng của con, trên chặng đường kéo xe xỉ về nhà, thể nào, cũng được cha mẹ cho nghỉ chân giữa đường, để bồi dưỡng cốc nước chanh đá hay cốc chè đỗ đen đá giải khát!

Dù có nhọc nhằn, lam lũ, dù có nắng mưa, bụi bẩn, nhưng đổi lại, thành quả của mỗi đợt bán gạch xỉ, anh em chúng tôi lại được cha mẹ cho cải thiện bữa "ăn tươi" có thịt, có cá. Gần Tết, cũng từ đồng tiền ấy, chúng tôi được mua những bộ quần áo mới và trang trải những sinh hoạt trong gia đình... 

Cuộc sống xung quanh ta, có những nghề tự hình thành và cũng tự nhiên mất đi cùng với sự phát triển, đi lên của xã hội. Đến khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất; gạch xây dựng được làm theo qui mô công nghiệp đã lấn át viên gạch xỉ được đóng thủ công, khiến nghề đóng gạch xỉ dần lụi tàn và mất hẳn.

Giờ đây, khi đến đường đê Tô Hoàng, vẫn còn những ngôi nhà cũ được xây dựng bằng gạch xỉ ẩm thấp, rêu phong; bên cạnh những ngôi nhà mới được xây bằng khung cột bê tông cốt thép hiện đại. Đi đến những ngõ ngách, xóm lao động của Thủ đô, tôi vẫn bắt gặp những hàng rào, bức tường không trát được xây dựng từ viên gạch xỉ thời bao cấp.

Hà Nội đang thay đổi từng ngày, khoác lên mình bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng kỷ niệm về một thời khó khăn, một thời những người dân nơi đây phải làm đủ mọi nghề, mọi cách để kiếm sống, để "tự cứu lấy mình..." thì vẫn còn trong tâm trí của rất nhiều người. Vâng! Hà Nội đâu chỉ có phồn hoa mà thời nào cũng vậy, luôn có những con người kiếm sống bằng lao động chân chính. Đó cũng là lẽ đương nhiên của một đô thị lớn với sự đan xen của nhiều nguồn lực lao động đổ về Thủ đô để mưu sinh, kiếm sống!

Bài Nhọc nhằn thời lam lũ, mưu sinh dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.