Trước năm 1975, Hải quân VNCH được Mỹ viện trợ hàng trăm tàu chiến lớn, nhỏ. Hầu hết các tàu này được đưa vào trang bị trong Hải quân Nhân dân Việt Nam sau khi đất nước thống nhất và sau này phục vụ các chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tuy nhiên, ngay trong tháng 4/1975, có một số chiến hạm trong biên chế Hải quân VNCH đã di chuyển tới Philippines. Những chiếc tàu này được đưa vào trang bị trong hải quân nước này. Vậy số phận những chiếc tàu chiến này ra sao?
VNCH được Mỹ viện trợ số lượng tàu chiến đông đảo, đủ kích cỡ. Tuy nhiên, chiếm đa số đều là các tàu cỡ nhỏ, nếu là cỡ lớn thì lại là loại tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.
Dẫu sao, ít nhiều Mỹ cũng viện trợ cho VNCH một vài chiếc tàu có thể coi là “tàu chiến thực thụ”, đó là hai tàu khu trục hộ tống (*) lớp Edsall (HQ-1 Trần Hưng Đạo và HQ-4 Trần Khánh Dư).
Tàu lớp Edsall có lượng giãn nước 1.590 tấn, dài 93,3m. Tàu vũ trang 3 pháo hạm 76mm, 2 pháo phòng không 40mm, 8 pháo phòng không 20mm, 3 máy phóng ngư lôi 533mm, hệ thống cối chống ngầm.
Tháng 4/1975, binh lính VNCH đã dùng tàu HQ-1 Trần Hưng Đạo tháo chạy sang Philippines. Chiếc còn lại Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp quản và đưa vào sử dụng.
Chiếc HQ-1 được Philippines sửa chữa nâng cấp (bỏ tháp pháo 76mm và thay bằng 2 tháp pháo 127mm) và chính thức đưa vào trang bị tháng 7/1976 với cái tên mới BRP Rajah Lakandula (PF-4).
Kể từ năm 1981-1988, BRP Rajah Lakandula trở thành soái hạm Hải quân Philippines. Con tàu chủ yếu tham gia nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biển, thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Năm 1988, con tàu loại ra khỏi biên chế hải quân và được sử dụng như doanh trại nổi vịnh Subic tới năm 1999 thì bị phá dỡ.
Lớp tàu Edsall tuy là những chiếc tàu có hỏa lực tương đối mạnh đối với một pháo hạm nhưng đó chưa phải là tàu to nhất.
Trong biên chế Hải quân VNCH có 7 tàu chiến lớp Casco (*) được coi là những tàu lớn nhất. Thậm chí, VNCH còn gọi nó là “tuần dương hạm”, dù lượng giãn nước chỉ tương đương khinh hạm. Thực tế, trước khi chuyển cho VNCH, 7 tàu Casco được dùng cho lực lượng tuần duyên bảo vệ bờ biển Mỹ.
Tàu lớp Casco có lượng giãn nước 2.800 tấn, dài hơn 94m, thủy thủ đoàn gần 200 người. Hệ thống vũ khí hạng nhẹ: tháp pháo 127mm, pháo cối 81mm và súng máy.
Tháng 4/1975, binh lính VNCH đã lấy 6 chiếc Casco chạy sang Philippines. Đương nhiên, Philippines không ngần ngại tiếp nhận toàn bộ số tàu này vào trang bị. Dù vậy, trong 6 chiếc, họ chỉ dùng 4 chiếc còn lại 2 chiếc được tháo dỡ lấy phụ tùng.
Năm 1979, chính quyền Philippines quyết định hiện đại hóa toàn diện hệ thống vũ khí và điện tử và điện tử trên 4 tàu. Tàu lắp thêm pháo 20-40mm, thiết kế thêm sân đáp trực thăng ở đuôi tàu.
Tới cuối những năm 1980, Hải quân Philippines dự định trang bị thêm tổ hợp tên lửa hành trình RGM-84 Harpoon nhưng do khủng hoảng kinh tế nên không thực hiện được.
Giai đoạn 1991-1993 và năm 2003, cả bốn tàu lần lượt bị phá dỡ.
Hầu hết các tàu chiến cỡ lớn của VNCH trong Hải quân Philippines đều bị loại bỏ vào những năm 1990 nhưng vẫn có một số ít được hoạt động tới tận ngày nay.
Năm 1975, khi tháo chạy, binh lính VNCH đã đưa ba tàu hộ tống cỡ lớn PCE (HQ-07 Đống Đa II, HQ-12 Ngọc Hồi và HQ-14 Vạn Kiếp II) sang Philippines.
Tàu PCE có lượng giãn nước 903 tấn, dài 56m, thủy thủ đoàn 99 người. Vũ khí chính của tàu gồm pháo hạm 76mm và 40mm cùng hệ thống chống tàu ngầm.
Sau khi tiến hành sửa chữa, cả ba tàu cùng đưa vào biên chế Hải quân Philippines với tên mới (BRP Sultan Kudarat, BRP Miguel Malvar, BRP Datu Marikudo).
Trong giai đoạn 1990-1991, các tàu trải qua đợt đại tu sửa chữa lớn, gỡ bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí chống ngầm, thay mới radar, trang bị thêm các hệ thống liên lạc và định vị vệ tinh.
Tính từ thời điểm hạ thủy tới năm 2012, ba tàu PCE đều đã xấp xỉ 70 năm tuổi. Dù vậy, chưa có dấu hiệu Philippines cho chúng nghỉ hưu.
Những năm gần đây, các tàu này vẫn tiếp tục tham gia đều đặn các cuộc tập trận với Hải quân Mỹ.
Ngoài tàu chiến, tàu “gốc Việt” trong Hải quân Philippines còn có các tàu vận tải đổ bộ (cỡ trung, cỡ lớn). Tương tự số phận tàu chiến, ngày nay chỉ còn một số rất ít hoạt động, phần còn lại đều bị tháo dỡ lấy sắt vụn.
(*) – Tàu khu trục hộ tống (Destroyer Escort) là phân loại tàu chiến của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là tàu chiến vũ trang nhẹ, cỡ nhỏ sử dụng hộ tống đoàn tàu hậu cần trên biển.
– Tàu lớp Casco: HQ-2 Trần Quang Khải, HQ-3 Trần Nhật Duật, HQ-5 Trần Bình Trọng, HQ-6 Trần Quốc Toản, HQ-15 Phạm Ngũ Lão, HQ-16 Lý Thường Kiệt, HQ-17 Ngô Quyền.
Trong đó, HQ-15 được đưa vào biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam, tàu HQ-3 và HQ-6 được Philippines tháo dỡ lấy phụ tùng. Bốn tàu còn lại đổi tên thành: BRP Diego Silang (PF-9), BRP Francisco Dagohoy (PF-10), BRP Andres Bonifacio (PF-7) và BRP Greogorio del Pilar (PF-8).