Dân Việt

Những nỗi khổ ít người biết khi chơi bóng ở châu Âu và lời khuyên cho Quang Hải

Thanh Hải 10/09/2022 15:10 GMT+7
Chơi ở vị trí xa lạ, ngồi dự bị, sự phân biệt đối xử, khác biệt văn hóa, nỗi cô đơn và thay đổi tâm lý… đó là tất cả những gì tuyển thủ Trung Quốc Li Lei đang trải qua ở Grasshopper (Thụy Sỹ). Quang Hải có lẽ cũng không khác nhiều.
Những nỗi khổ ít người biết khi chơi bóng ở châu Âu và lời khuyên cho Quang Hải - Ảnh 1.

“Cuộc sống sau các buổi tập thực sự rất nhàm chán, đặc biệt là vào ban đêm, tôi thường nhớ gia đình. Thụy Sỹ về đêm rất yên tĩnh, không có người hay xe cộ qua lại. Thỉnh thoảng tôi đến nhà hàng ăn tối với một đầu bếp người Hoa, được nói (bằng tiếng Trung) về những điều tôi không thể nói trong cả ngày.

Khả năng ngoại ngữ của tôi không tốt lắm, chỉ biết một số câu tiếng Anh cơ bản và chào hỏi đơn giản bằng tiếng Đức. Đó không phải vấn đề lớn trên sân tập, nơi tất cả đều hiểu các thuật ngữ bóng đá. Nhưng trong cuộc sống, nó khiến bạn gặp khó khăn, từ việc mua nhầm vé tàu, lên nhầm chuyến, xuống nhầm nơi đến mua sai đồ trong siêu thị.

Căn hộ Grasshopper thuê cho tôi ban đầu không có bàn ghế, đèn cũng không nốt. Nhân viên CLB dẫn tôi đến IKEA mua vài món, và khi về lắp không vừa, lại lóc cóc ra tận nơi đổi lại. Nếu ở nhà (Trung Quốc), tôi không bao giờ phải lo lắng tới những thứ nhỏ nhặt này.

Những nỗi khổ ít người biết khi chơi bóng ở châu Âu và lời khuyên cho Quang Hải - Ảnh 2.

Li Lei là một ngôi sao ở Trung Quốc trước khi gia nhập Grasshopper. (Ảnh: Sohu)

Cuộc sống ở nước ngoài thật đơn điệu, tôi không có nhiều bạn bè ở đây. Dịch bệnh nên gia đình cũng không thể tới đây cùng. Nhìn cha mẹ già đi và con cái lớn lên qua những cuộc gọi video mỗi ngày, tôi đau khổ vì không còn nhiều thời gian dành cho họ”.

Đây là những dòng tự sự của Li Lei, tuyển thủ Trung Quốc hiện đang chơi bóng ở Thụy Sỹ trong màu áo Grasshopper. Gia nhập CLB từ cuối tháng 12 năm ngoái, cho đến nay 8 tháng đã trôi qua và Li Lei vẫn đang vật lộn để thích nghi. Anh chỉ ra sân 7 trận ở nửa cuối mùa giải trước, bao gồm 2 lần đá chính. Sang mùa này tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều. Li Lei mới thi đấu 2 (đá chính 1 trận) trong tổng số 8 trận của Grasshopper.

Vốn Trung Quốc không có nhiều cầu thủ đến châu Âu, sự kiện Li Lei khoác áo Grasshopper đã nhận được rất nhiều sự chú ý. Nhưng sau số lần ra sân thưa thớt, trên mạng xã hội bùng nổ các bình luận tiêu cực, mỉa mai. Chịu đựng đủ nhiều, hậu vệ 30 tuổi quyết định chia sẻ cuộc sống, các khó khăn phải đối mặt và cảm xúc của mình trên trang Rilakkuma Sports.

“Nói về bóng đá, như mọi môn thể thao khác, tất cả là về trình độ và khả năng”, Li Lei cho biết, “Trong tập luyện, không ai quan tâm đến tuổi tác hay tình trạng của bạn. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Cường độ tập luyện cũng như thi đấu ở châu Âu hoàn toàn khác xa với hiểu biết của tôi. Hồi ở Trung Quốc, chỉ cần không chấn thương mặc nhiên tôi có suất đá chính và chơi ở vị trí quen thuộc (hậu vệ trái). Tại Grasshopper thì khác. Tôi phải đá trung vệ, rồi tiền vệ.

Tôi cũng phải chấp nhận tình trạng phân biệt đối xử. Tôi phải thể hiện mình ở một tiêu chuẩn cao hơn người khác mới có cơ hội ra sân. Người Nhật và Hàn Quốc đã trải qua một quá trình dài mới có được sự tôn trọng ở châu Âu. Chúng tôi (người Trung Quốc) mới chỉ bắt đầu”.

Những nỗi khổ ít người biết khi chơi bóng ở châu Âu và lời khuyên cho Quang Hải - Ảnh 3.

Cuộc sống châu Âu không đẹp như hình dung của Li Lei. (Ảnh: Sohu)

Khi giấc mơ châu Âu bắt đầu chuyển từ gam màu hồng sang màu xám, những ý nghĩ tiêu cực nổi lên. “Chấn thương, thời gian thi đấu ít ỏi, xa gia đình, thu nhập giảm sút khiến tâm lý cũng thay đổi, nhiều lần tôi chỉ mong được về nước”, anh nói.

Nhưng bây giờ mọi thứ dần ổn hơn khi Li Lei bắt đầu suy nghĩ theo hướng tích cực. Anh chia sẻ: “Ban đầu tôi bực bội với thực tại, nhất là khi xuất ngoại với tinh thần rất cao, quyết tâm rất lớn.

Nhưng rồi khi bình tĩnh lại và đánh giá mọi thứ, tôi đành chấp nhận mình ở khoảng cách xa so với những người khác, sau đó học cách xuất phát từ băng ghế dự bị. Ở đây, bạn phải liên tục nhận được sự tin tưởng của đồng đội cũng như sự ghi nhận của HLV trong quá trình tập luyện và thi đấu. Chỉ có như vậy bạn mới có cơ hội để chơi”.

Những nỗi khổ ít người biết khi chơi bóng ở châu Âu và lời khuyên cho Quang Hải - Ảnh 4.

Quang Hải đang gặp khó khăn ở Pau FC, nhưng anh giữ vững tinh thần. (Ảnh: Getty Images)

Những lời gan ruột của Li Lei có thể là lời khuyên cho Quang Hải, người đã rời Việt Nam trong tư thế ngôi sao lớn nhất và đến Pau FC trong sự chào đón nồng nhiệt. Nhưng thời gian trôi qua, tình hình dần chuyển biến xấu. Anh dự bị nhiều hơn, số phút thi đấu giảm dần và mới nhất, đóng băng trên ghế dự bị suốt cả trận.

Nhưng không vấn đề gì. Đây là thực tế mà mọi cầu thủ nền từ nền bóng đá thấp hơn phải đối mặt khi chơi bóng tại châu Âu. Điều quan trọng là Quang Hải phải giữ vững tinh thần, tiếp tục thể hiện năng lực bản thân trên sân tập và chờ đợi cơ hội.

“Tôi hiện không phải nhân tố chủ chốt ở Grasshopper nhưng sẽ có cơ hội nếu đội hình chính thiếu khuyết. Tôi đang chiến đấu cật lực cho một suất đá chính và nỗ lực duy trình phong độ cao. Mọi thứ sẽ sớm được cải thiện”, Li Lei tuyên bố, đồng thời nhận định về viễn cảnh tới châu Âu của cầu thủ Trung Quốc, “Tôi nghĩ khó có cơ hội ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, nhưng vẫn còn những giải khác để thể hiện mình. Đừng đánh giá thấp những giải này. Một đồng đội Hàn Quốc của tôi chia sẻ, tập luyện để được dự bị tại đây còn mệt hơn đá chính ở K-League”.