Về những thay đổi của kỳ thi từ 2025, Bộ trưởng cho biết đã có một vài phương án dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia.
Gia tăng tính chất đánh giá năng lực
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong năm học 2022 - 2023, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp; xây dựng, hoàn thiện quy chế thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 và hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Về những thay đổi của kỳ thi từ 2025, ông Sơn cho biết một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. “Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, do đó, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.
Cần thiết đổi mới học và kiểm tra, đánh giá
Ủng hộ quan điểm đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng ĐGNL, GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, năng lực của mỗi thí sinh đã được tích lũy trong một thời gian dài chứ không phụ thuộc vào việc ôn luyện, học tập trong 1-2 buổi hay tham gia lớp học cấp tốc ngắn hạn. Vì vậy, mục tiêu đào tạo của nhà trường không chỉ là nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT mà còn phải ứng dụng được các kiến thức này vào giải quyết bài toán thực tế, phát triển kỹ năng, thái độ… để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong tương lai.
Mùa tuyển sinh ĐH 2022, nhiều trường đã tổ chức kỳ thi ĐGNL, đánh giá tư duy riêng để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH bên cạnh các phương án xét tuyển khác. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay hướng tiếp cận của kỳ thi ĐGNL và tốt nghiệp THPT là hoàn toàn khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ cho đánh giá đạt chuẩn để thí sinh có bằng tốt nghiệp. Các bài thi kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh khi tốt nghiệp chương trình THPT.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, hiện nay khi học sinh lớp 10 được tự chọn môn học ở bậc phổ thông thay vì học tất cả các môn dàn trải như chương trình cũ, các em đã có những nhìn nhận cơ bản về năng lực, sở trường của bản thân cũng như những định hướng ban đầu về hướng đi sau tốt nghiệp THPT. Việc cần làm trong 3 năm tiếp theo đây chính là phát huy, hoàn thiện những năng lực, thế mạnh sẵn có của học sinh thông qua những môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường.
“Chương trình, sách giáo khoa mới đã có. Vấn đề là triển khai ra sao bởi vẫn là đội ngũ giáo viên, cán bộ đang có. Mặc dù các thầy cô đã được tập huấn và phải đạt yêu cầu mới được tham gia giảng dạy nhưng đổi mới không phải chỉ là chuyện 1, 2 bài thu hoạch, đánh giá có thể khẳng định được. Quan trọng là quá trình tự bồi dưỡng, tự trau dồi với ý thức rõ phải thay đổi, phải đổi mới mỗi ngày để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới” - ông Khuyến khẳng định.