Vừa hân hoan khi có con vào lớp 1 đầy háo hức, lạ lẫm trường mới bạn mới, anh N.H.M, một phụ huynh ở TP.HCM cho biết đã gặp ngay cú sốc đầu năm.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh M. cho biết: "Ngay trong ngày khai giảng 5/9, sau khi họp phụ huynh cho bé vào lớp 1 nhà mình thì mình nhận được tờ giấy thông báo lớp học thêm của cô giáo chủ nhiệm".
Theo chia sẻ của anh M., tờ giấy giáo viên chủ nhiệm lớp con ghi rất chi tiết thông tin thời gian, địa điểm lớp học thêm của cô. "Theo yêu cầu của phụ huynh, giáo viên có lớp học thêm tại số... Bắt đầu học từ sáng 5/9 từ 9h đến 10h30 ra về. Thời gian học từ thứ 2, 4, 6 mỗi tuần".
Anh M. cho hay, anh trai của anh cũng nhận được một tờ giấy tương tự cho bé vào lớp 3 với nội dung là "Để củng cố kiến thức cho các em nên cô chủ nhiệm có dạy kèm thêm ở nhà tuần 3 buổi hoặc 6 buổi hoặc bán trú".
Quan điểm của anh M cho rằng, bản thân anh không xem việc dạy thêm là xấu tuy nhiên việc phát giấy từ cô giáo chủ nhiệm vô hình dung tạo áp lực phải cho con em đi học và các phụ huynh học sinh. Ngoài ra việc này cũng đặt ra dấu hỏi cho chương trình học hiện tại của học sinh có quá tải hay không khi mà ngoài học chính thì phải học thêm và lại do chính cô chủ nhiệm phụ trách?
Khi được hỏi về vấn đề anh sẽ quyết định thế nào sau khi nhận thông báo này của cô giáo, anh M. cho biết: "Bản thân tôi chưa có ý định cho con học thêm nên sẽ xem xét tình hình thực tế rồi sau đó mới có quyết định. Tuy nhiên, tôi rất mong là các con đi học hay không đi học sẽ được giáo viên đối xử công bằng trong giảng dạy để nền giáo dục ngày càng phát triển".
Không chỉ có anh M., một số phụ huynh khác cũng hoang mang không biết có nên đăng ký đi học thêm cho con không. "Con tôi học lực khá và có ý thức tự giác. Tuy nhiên, cô giáo mở lớp học thêm khiến tôi lo lắng không biết có nên cho con đi học không, học thêm có hiệu quả không, gia đình bố trí người đưa đón con thế nào, công việc, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn ra sao, con không đi có bị cô trù dập không... Ngày xưa tôi học khối C nên không đi học thêm lớp Toán của cô giáo chủ nhiệm. Suốt 3 năm học cấp 3 luôn bị cô chì chiết nên giờ sợ con tôi bị cô giáo tỏ ra khó chịu nếu không đi học thêm", chị Tạ Thu Thủy, phụ huynh có con học lớp 4 ở Hà Nội bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: "Bản thân giáo viên và phụ huynh chưa hiểu được lý do vì sao phải đi học thêm. Giáo viên thì bị áp lực về điểm số, thành tích nên có băn khoăn, mong muốn học sinh đi học thêm để có nhiều thời gian rèn giũa.
Còn các phụ huynh thì có 2 lý do để bắt con đi học thêm. Một là sợ con không theo kịp các bạn, sợ cô dạy kiến thức mới trong lớp học thêm và con vào lớp chính không học được. Nỗi sợ thứ hai là sợ con ở nhà chơi điện tử nên chèn chặt cứng lịch để con bận rộn, không chơi điện tử".
Tuy nhiên, đi học thêm không giải quyết được vấn đề trên mà ngược lại còn phá hủy con. Thực tế, không được phép cô giáo nào bỏ bài học chính. Thế nhưng vì bố mẹ thấy con 8 điểm trở xuống nên nghĩ ngay đến việc cô không dạy ở lớp.
Cha mẹ cần phải nghĩ rằng, điểm từ 0-8 mới là khoảng kiến thức con cần. Điểm 9-10 nhồi nhét con ở lớp học thêm sẽ lấy con đi rất nhiều thứ hứng khởi, mất tập trung, chủ quan việc học trên lớp chính. Khi con quá coi trọng vào điểm 9-10 ở một môn nào đó thì mất đi kiến thức từ điểm 0-8 ở môn khác. Con người chỉ tập trung vào điều gì đó. Việc đi học thêm khiến các em không lên được 9-10 mà có khi tụt xuống từ 6-7".
Cũng theo TS Hương, việc con đi học thêm càng dễ được "thả lỏng" và tạo cơ hội cho các em chơi game, xem phim người lớn, bán thuốc lá điện tử...
Trước câu hỏi, với học sinh tiểu học, đi học thêm có cần thiết không, TS Hương khẳng định: "Việc học thêm ở lứa tuổi này không cần thiết. Học sinh lớp 1 chỉ tập trung vào viết và đọc là chủ yếu nhưng việc này kéo dài suốt 12 năm chứ không phải ở lớp 1. Ở lớp, các cô sẽ có cả tỉ các chiêu trò để học sinh viết bài, trong khi lớp học thêm chỉ có 1 chiêu trò là luyện và luyện. Ngoài ra, về sức khỏe, các em đi học chính ở trường rất mệt vì não hoạt động liên tục. Bố mẹ đừng quá đòi hỏi con hoàn hảo trong từng bước trưởng thành".