Dân Việt

Hải Dương tổ chức khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022

Thanh Tùng 12/09/2022 14:47 GMT+7
Ngày 12/9, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và lễ khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022.

Hải Dương tổ chức khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022

Sáng 12/9,Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã tiến hành tổ chức Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022.

Hải Dương tổ chức khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 - Ảnh 1.

Hải Dương long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và lễ khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng.

Mở đầu phần khai hội, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 đã đọc diễn văn tưởng niệm.

Hải Dương tổ chức khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đọc diễn văn tưởng niệm tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn -Kiếp Bạc năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng.

"Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn, hội tụ đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng. Trần Hưng Đạo là hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh," ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược hùng mạnh vào các năm 1258, 1285, 1288.

Tên tuổi ông đã gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang… là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Chiến thắng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đã góp phần chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên - Mông trong lịch sử, đưa tên tuổi Trần Hưng Đạo lên hàng "thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần".

Không chỉ biết đến với vai trò là một nhà quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn soạn 2 bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc là "Binh Thư yếu lược" và "Vạn Kiếp tông bí truyền thư". Trong đó, tiêu biểu có bài "Hịch tướng sĩ" đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, lay động hàng ngàn tướng sĩ.

Dưới trướng của Trần Hưng Đạo, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua, giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng…

Với công lao to lớn đó, ông đã được các vua Trần phong làm Đại Vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp gọi là Sinh từ. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của Hưng Đạo Vương, gọi là Sinh bi.

Ngày 20/8 năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, triều đình tiến phong "Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương."

Nhân dân Đại Việt suy tôn ông là Đức Thánh Trần Cửu Thiên Vũ Đế, lập đền thờ ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với non sông, đất nước.

Trải qua hơn 7 thế kỷ, đến nay, tư tưởng giữ nước lấy dân làm gốc cùng tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau".

Hải Dương tổ chức khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 - Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng đông đảo du khách thập phương về tham dự Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Thanh Tùng.

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc.

Hải Dương tổ chức khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 - Ảnh 4.

Nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc tại lễ hội năm nay. Ảnh: Thanh Tùng.

Sau hai năm tổ chức quy mô nhỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức với đông đảo du khách thập phương về tham dự. Theo thông báo của Ban tổ chức lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, năm nay, các sự kiện trong khuôn khổ lễ hội sẽ kéo dài từ ngày 5/9 đến hết ngày 13/9. Các hoạt động chính của lễ hội năm nay bao gồm: Lễ hội đền Quát tri ân tướng Yết Kiêu; Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022; Lễ giỗ Đức Thánh Trần - Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn...

Hải Dương tổ chức khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 - Ảnh 5.

Sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay đã được tổ chức trở lại. Ảnh: Thanh Tùng.

Đông đảo người dân tham dự lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, nhiều người trong số đó đến từ các tỉnh, thành phố lân cận, họ đến từ buổi sáng cùng ngày. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống, bồi đắp ý chí vươn lên cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, diễn xướng hầu Thánh là nghi lễ đặc trưng ở đền Kiếp Bạc nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đạo giáo Việt Nam (Đạo Nội). Đứng đầu canh hầu là Thanh đồng, thực hiện nghi lễ hầu Thánh (hầu làm việc Thánh), thực chất là giúp tín đồ tấu trình những sở nguyện: sát quỷ, trừ tà, cầu duyên, cầu tự… lên Đức Thánh Trần cứu độ.

Hằng năm, có hàng trăm Thanh đồng về đền Kiếp Bạc "làm việc nhà Thánh". Vì vậy, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và nghi lễ hầu đồng đã dần đi sâu vào tâm thức dân gian, trở thành sinh hoạt tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam.