Khoảng 2 năm nay, một số hồ công ích ở Hà Nội được "người nhà hồ" biến thành của riêng, tổ chức câu cá trúng thưởng. Clip: Văn Hoàng - Minh Trọng
"Việc câu cá có thưởng trái phép cần có cơ quan chức năng vào cuộc xử lý"
Như loạt bài của Báo điện tử Dân Việt thông tin, trung bình mỗi người đến "nhà hồ" câu cá có thưởng phải bỏ ra số tiền từ 300.000 đồng/ca/5 tiếng đến 500.000 đồng/2 ca/10 tiếng. Toàn bộ số tiền thu từ việc biến hồ điều hòa công ích của nhà nước thành hồ câu dịch vụ thu tiền bất chính vào túi cá nhân.
Bên cạnh đó, "người nhà hồ" còn tổ chức câu cá trúng thưởng. Theo đó, họ thả cá đeo khuyên thể hiện giá trị các giải thưởng bằng tiền mặt trị giá từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Có "nhà hồ" ở Hà Nội còn đeo khuyên ô tô trị giá gần 300 triệu đồng và nhiều xe máy mỗi xe trị giá 17 triệu đồng.
Ngoài các hình thức "nhà hồ" thả cá trái phép, xé vé thu tiền tư túi cá nhân và việc tổ chức câu cá có thưởng trị giá "khủng" để thu hút cần thủ… thì ở góc hồ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) còn thường xuyên diễn ra một số cần thủ cá cược "ăn tiền" trong các cuộc thi câu do chính mình tham gia.
Để xảy ra tình trạng vừa nêu cho thấy sự thiếu quyết liệt xử lý của các cơ quan có trách nhiệm. Đặc biệt là đơn vị được giao quản lý duy trì hồ công ích thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Hiện nay Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội được giao quản lý duy trì 98 hồ, trong đó 77 hồ thuộc gói thầu hữu hồng, 16 hồ thuộc gói thầu tả hồng, 2 hồ thuộc quận Hoàng Mai, 3 hồ thuộc quận Long Biên.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: "Chúng tôi chỉ được giao quản lý mực nước, duy trì vệ sinh trên mặt hồ. Còn tại Văn bản 8866 của UBND Thành phố Hà Nội (Văn bản 9966/VP-ĐT ngày 19/9/2017) có đề nghị giao UBND cấp quận có thông báo nghiêm cấm việc nuôi, kinh doanh cá trên các hồ ở nội thành do thành phố quản lý".
"Chúng tôi là đơn vị trúng thầu quản lý, duy trì và vận hành hồ, có 4 nhiệm vụ: Thứ nhất là theo dõi mực nước; thứ hai là theo dõi cửa phai, sục khí; thứ 3 là duy trì vớt các thủy sinh hồ (bèo ở hồ…) thứ 4 là quản lý quy tắc chống lấn chiếm hồ.
"Cá chết trên hồ là vớt, nổi váng tảo, người dân bơi lội (hồ Tây, Linh Đàm) chúng tôi phối hợp với các phường để nhắc nhở chứ không có thẩm quyền xử phạt" ông Sơn nói thêm.
Còn liên quan đến tình trạng câu cá có thưởng mà Báo điện tử Dân Việt phản ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết qua nhiều lần làm việc với địa phương đề đã nghị nhắc nhở, "vì đây là việc làm mất an ninh trật tự, nhắc nhở họ không câu vì quăng cần nguy hiểm cho công nhân đi làm, người dân đi dạo quanh hồ".
Theo ông Sơn, việc câu cá có thưởng trái phép cần có cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. "Cần có biện pháp tuyên truyền, cơ quan chức năng cần vào cuộc chứ thông tin như hiện nay khác gì các bên đổ lỗi cho nhau"- ông Trịnh Ngọc Sơn khẳng định.
Chưa có chế tài xử lý người câu cá
Đối với cấp độ quản lý chính quyền nhà nước ở địa phương, ông Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Thành Công (Ba Đình - Hà Nội) cho rằng: "Thẩm quyền quản lý là của đơn vị kia (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội), sự việc báo nêu khi có dấu hiệu mất an ninh trật tự, UBND phường đã giao cho cơ quan Công an kiểm tra, nắm bắt tình hình".
Lãnh đạo UBND phường Thành Công nói thêm: "Trước khi xảy sự việc này (thông tin Báo điện tử Dân Việt phản ánh) chúng tôi đã trao đổi với đơn vị quản lý hồ và yêu cầu tự quản lý, các anh các chị được trả lương để làm việc đó.
Chúng tôi không hiểu có kinh doanh cho thuê hay không mà để xảy ra những hoạt động như thế, mà rõ ràng có bảo vệ được trả lương, nhà nước giao cho các anh (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội), nói luôn là chức năng nhiệm vụ của chúng tôi không phải như thế (quản lý duy trì hồ)".
Còn ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (Hoàng Mai - Hà Nội) cho rằng phường và Xí nghiệp quản lý duy trì hồ thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đơn vị được Sở Xây dựng Hà Nội giao đã làm việc với nhau nhiều lần.
Tuy nhiên, "họ có chốt trực ở đó, 2 đến 3 người mà chưa bao giờ thấy phản ánh tình trạng thả cá xuống hồ, nếu có thông tin chúng tôi có thể xử lý họ liên quan đến thả cá làm ảnh hưởng đến môi trường" - ông Chiến nói.
Phó Chủ tịch UBND phường Định Công đặt câu hỏi: "UBND phường đã báo cáo, gửi Sở Xây dựng để sở có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị họ giao quản lý duy tu hồ. Người ta thả cá xuống hồ nước các ông quản lý, thử hỏi các ông là người trông nhà mà người ta vào nhà ông thả cá mà không biết à?".
Còn ông Hoàng Minh Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Định Công cho biết: "Thành phố Hà Nội cấm thả, câu cá nhưng chưa có chế tài nào để xử lý thì làm sao xử lý được. Nếu có chế tài thì không bao giờ tình trạng như thế diễn ra, phạt vài lần thì không còn ai đến câu nữa".
UBND phường Định Công kiến nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đặc biệt cần xem xét "chức năng và trách nhiệm của đơn vị quản lý đến đâu, ở địa phương chúng tôi làm hết trách nhiệm rồi".
Ngay sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài "Câu cá có thưởng, mối nguy cờ bạc trá hình ở hồ công ích giữa thủ đô". Điển hình ở các hồ Thành Công (quận Ba Đình) hồ Đầm Sòi, Định Công (quận Hoàng Mai), Thạch Bàn (Long Biên)...
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh có ý kiến chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu.
Cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin báo điện tử Dân Việt nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
UBND các quận, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố tại công văn số 8866/VP-ĐT ngày 19/9/2017 của Văn phòng UBND Thành phố đối với việc quản lý công tác đánh bắt cá trên các hồ nội thành Hà Nội.
Kết quả thực hiện những chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/9/2022, thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.