Nhân dịp kỉ niệm 10 năm di tích Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt và kỷ niệm 595 năm thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1427 - 2022) kết thúc 10 năm kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của quân dân Đại Việt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh tổ chức trưng bày "Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê" nhằm làm sáng rõ mối liên hệ giữa Đông Kinh và Lam Kinh từ lịch sử đến hiện tại.
Trưng bày gồm 3 chủ đề: Giới thiệu chung về hai Khu Di tích, Lam Kinh thời Lê, Đông Kinh thời Lê.
Trưng bày giới thiệu 36 hiện vật tiêu biểu của cả hai khu di tích cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan. Điểm nhấn trong trưng bày này là lần đầu tiên những di vật, hiện vật khai quật được tại hai di tích cũng những tài liệu lịch sử liên quan được đặt cạnh nhau góp phần quan trọng làm nổi bật thêm những thành tựu của Đại Việt dưới thời Lê sơ, đồng thời khẳng định được mối quan hệ mật thiết giữa hai địa danh Đông Đô - Đông Kinh và Tây Đô - Tây Kinh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, PGĐ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi nhấn mạnh: "Lam Sơn (Lam Kinh) vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi chứa đựng nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đây chính là nơi tiên tổ nhà Lê chọn làm nơi lập nghiệp, là căn cứ chuẩn bị, nơi chiêu tập hào kiệt nghĩa sĩ bốn phương phất cờ khởi nghĩa và cũng là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô cùng quý giá của triều đại Lê sơ.
Đông Kinh là đất đế đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước, nơi đức Thái Tổ Lê Lợi đăng quang, dựng nghiệp đế vương, công bố "Đại cáo Bình ngô": Xã tắc từ nay vững bền/Giang sơn từ nay đổi mới…Muôn thủa nền thái bình vững chắc.
Trong dòng chảy lịch sử bất tận của dân tộc, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với đỉnh cao là sự kiện giải phóng Đông Quan - vua Lê đăng quang đã ghi lại mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, chấm dứt những năm dài đô hộ của ngoại bang, mở ra thời kỳ hoà bình, thịnh vượng của đất nước, tô điểm rạng ngời truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội.
Có thể nói từ quê hương Lam Kinh đến kinh đô Đông Kinh có mối liên hệ mật thiết cả về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật. Trong đó dấu ấn đặc biệt nhất là chính điện Kính Thiên, không gian quan trọng, linh thiêng nhất của Kinh đô Thăng Long thời Lê.
Ngày nay, cả hai địa danh trên đều trở thành những điểm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh, bảo vệ dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 595 năm thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1427- 2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh tổ chức trưng bày "Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê" nhằm làm sáng rõ mối liên hệ giữa Đông Kinh và Lam Kinh từ lịch sử đến hiện tại.
Trưng bày giới thiệu tới công chúng những tư liệu, hiện vật quý giá hiện đang lưu giữ ở hai khu di tích, đặc biệt là các hiện vật khảo cổ học được tìm thấy trong quá trình khai quật nhiều năm qua, trong đó có nhiều hiện vật là đồ ngự dụng của nhà vua xưa kia".
Theo PGĐ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, trưng bày là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền quảng bá hình ảnh hai khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh, tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai đơn vị, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại hai đơn vị, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong thời gian tiếp theo.
Trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 13/9/2022- 30/9/2022 tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, trưng bày có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.
Theo ông Vũ Đình Sỹ- Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thì 10 năm qua, BQL đã lập hồ sơ khoa học trình và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận 05 bảo vật quốc gia gồm: bia Vĩnh Lăng, bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, bia vua Lê Thánh Tông, bia vua Lê Hiến Tông, bia vua Lê Túc Tông; Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 18 cây di sản; tiếp nhận và thống nhất quản lý 2 khu đề thờ vua Lê Thái Tổ và đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai trong không gian di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đạt hiệu quả rất tốt;
Phân loại và vào sổ đăng ký 7 bộ sưu tập gồm: gốm, sành, gạch, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, kim loại; Sưu tầm được 1.031 hiện vật gốc (bao gồm cả hiện vật hiến tặng) có niên đại trong khoảng thế kỷ XV - XVII cùng với 21.005 hiện vật đang được bảo quản gìn giữ trong kho và bảo quản ngoài trời; Sưu tầm được 418 đầu sách liên quan về Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và khu di tích lịch sử Lam Kinh... Những con số này đã cho thấy kho tàng di sản hiện vật và di vật ở đây hết sức đậm đặc và đa dạng.