Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày 16/9, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT đã hạ dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam cho năm 2022 từ mức 3,5% xuống 3,2% (+/- 0,2%). VNDIRECT cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho năm 2022 lên 7,7% (+/- 0,3%) từ mức 7,1% trước đó.
Theo VNDIRECT, ngành dịch vụ và sản xuất của Việt Nam đều có sự cải thiện mạnh mẽ trong tháng 8.
Cụ thể: Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt 481.225 tỷ đồng (tăng 0,6% so với tháng trước đó, tăng 50,2% so với cùng kỳ). Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,9% so với tháng trước (tăng 15,6% so với cùng kỳ). Đây là sự cải thiện tích cực so với mức tăng 1,6% theo tháng (tăng 9,5% so với cùng kỳ) của tháng 7. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 8 sau khi suy yếu trong tháng 7 với giá trị xuất khẩu đạt 34,9 tỷ USD trong tháng này, tăng 14,1% so với tháng trước và tăng 27,8% so với cùng kỳ.
VNDIRECT cho rằng, lạm phát hạ nhiệt nhờ Chính phủ giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu. Theo TCTK, trong tháng 8/2022, lạm phát của Việt Nam tăng 2,9% so với cùng kỳ (thấp hơn mức 3,1% so với cùng kỳ của tháng trước). So sánh theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không đổi trong tháng 8 (so với mức tăng 0,4% trong tháng 7), chủ yếu là do chỉ số giá nhóm giao thông suy giảm (giảm 5,5% so với tháng 7). VNDIRECT đã hạ dự báo CPI bình quân năm 2022 của Việt Nam xuống 3,2% (+/- 0,2%) từ mức dự báo trước đó là 3,5% so với cùng kỳ để phản ánh đà giảm của giá hàng hóa toàn cầu và các biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
VNDIRECT cũng đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM. Cụ thể: Ngày 7/9, NHNN đã chính thức cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho 15 ngân hàng thương mại. VNDIRECT ước tính khoảng 279 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bổ sung cho nền kinh tế, tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%. VNDIRECT cho rằng NHNN đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, do đó khả năng tiếp tục tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao.
Với những phân tích đưa ra, VNDIRECT đã nâng dự báo tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam lên 13,1% (+/- 0,6%) nhờ: Chính sách kích cầu của Chính phủ đã thúc đẩy tiêu dùng nội địa và du lịch phục hồi ấn tượng trong những tháng qua. Lý do thứ hai là lĩnh vực sản xuất tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu trong nước phục hồi giúp gia tăng nhiều đơn đặt hàng mới.
VNDIRECT cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên mức 7,7% (+/- 0,3%).
Theo VNDIRECT, rủi ro chính đối với nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm này vẫn bao gồm chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc, đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và rủi ro lạm phát.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng chung nhận định, kinh tế Việt Nam đang hồi phục rất tốt. Các chính sách liên quan phòng chống Covid-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong thấp và ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính.
IMF nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt rất nhiều rủi ro về lạm phát, khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang phục hồi rất tốt, việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vaccine, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. Tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II, quý III rất tốt. Sự phát triển của ngành công nghiệp cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc.
Đại diện IMF khuyến nghị NHNN cần tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam đang tăng khá nhanh và GDP tăng rất cao, NHNN cần tăng cường hệ thống ngân hàng để phát triển thị trường vốn.
World Bank thì kiến nghị Việt Nam cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và những khoản đầu tư công này phải phát huy một cách hiệu quả hơn.
Trong thời gian ngắn hạn, Việt Nam phải sử dụng tốt và hiệu quả những gói về hỗ trợ tăng trưởng phục hồi. Việt Nam cần phải có sự phục hồi của thị trường và nguồn cầu của thị trường trong nước. Từ đó, Việt Nam có thể hạn chế được tác động tiêu cực của việc tăng giá...