Có mặt tại khu chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân phong (thôn Tô, xã Cẩm Bình), phóng viên Dân Việt ghi nhận, thấu cảm và chia sẻ với những bệnh nhân phong khi đôi chân, đôi bàn tay bị bệnh phong ăn mòn.
Clip: Khu chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân phong tại thôn Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa
Gần 50 năm trước, ở tỉnh Thanh Hoá, một số huyện miền biển như: Hoằng Hoá, Nga Sơn, Hậu Lộc và các huyện miền núi cao như: Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... thường có nhiều người mắc bệnh phong.
Sau một thời gian khảo sát, từ năm 1967-1969, bệnh nhân phong của tỉnh Thanh Hoá được tập trung chữa bệnh tại thôn Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thuỷ.
Hiện có 30 bệnh nhân phong đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị lâu dài tại thôn Tô (xã Cẩm Bình), thậm chí có người khỏi bệnh xin ở lại đây sinh sống vì họ không muốn trở về địa phương.
Ông Mai Văn Mùi (81 tuổi, quê huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự: "Tôi lên đây điều trị bệnh phong khoảng 40 năm và giờ sống tại khu điều trị bệnh phong (thôn Tô) luôn. Ở khu điều trị này được các cán bộ y tế chăm sóc tôi cũng thấy vui vẻ và không mặc cảm về bệnh của mình".
Ngoài ông Mùi, còn nhiều bệnh nhân phong khác sau khi điều trị khỏi đã gắn bó với núi rừng thôn Tô. Trung tâm còn tạo điều kiện xây dựng nhà, cấp đất sản xuất cho các bệnh nhân này. Xung quanh những căn nhà là cây ăn quả, ao cá. Ngoài ra, các hộ gia đình còn chăn nuôi thêm con gà, con lợn để đảm bảo cuộc sống.
Với 28 năm điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong, ông Nguyễn Anh Việt - Trưởng bộ phận Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da Liễu Thanh Hóa chia sẻ: "Hơn 40 năm về trước, thôn Tô này không có tên trong địa giới hành chính. Lúc bấy giờ, người ta quen gọi đây là "làng phong" - tức là nơi sinh sống của những người bị bệnh phong.
Ngày trước, khi chưa có thuốc điều trị, những ai mắc phải căn bệnh này đều bị người đời gọi là "hủi" hay "cùi". Những ánh mắt kỳ thị, xa lánh của người dân xung quanh, thậm chí họ luôn sống trong cảnh bị gia đình và người thân hắt hủi. Bởi vậy, những người mắc căn bệnh này thường tìm nơi rừng sâu hẻo lánh hay vùng biển vắng vẻ để sống nốt quãng đời còn lại.
Từ năm 1983, khi có thuốc đặc trị bệnh phong, nếu người bị bệnh được phát hiện kịp thời, đi chữa trị theo đúng phác đồ thì chỉ sau thời gian điều trị ngắn sẽ khỏi hẳn.
Vi khuẩn bệnh phong tồn tại ở môi trường trong thời gian ngắn, khó lây lan. Những loại thuốc điều trị mới sẽ kiểm soát được một thời gian dài vi khuẩn từ người bệnh ra ngoài không gian. Vì vậy, việc lây lan căn bệnh này là rất khó nên nhận thức của người dân đối với bệnh nhân phong đã dần thay đổi
"Khi các bệnh nhân mắc bệnh phong đến đây điều trị và họ cùng đồng cảm, kết duyên tại đây. Những cặp này sinh con ra không hề mắc bệnh phong, các con đều khỏe mạnh, được tới trường học theo độ tuổi và theo học tại các trường cao đẳng, dạy nghề…" ông Việt chia sẻ thêm.