Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, nguồn tạng từ người cho chết não rất quý giá, ca ghép thận lần này mang tính chất nhân văn lớn góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bệnh nhi.
Đây là ca ghép thận thứ 23 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 với nguồn tạng được nhận từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhi 15 tuổi sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Đồng Nai. Vào một ngày tháng 1/2020, mẹ của em thấy con mình bị phù mặt nên đưa con đến Bệnh viện Đồng Nai và được các bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối.
Sau đó, em được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 bắt đầu những ngày tháng chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Từ khi con phải chạy thận nhân tạo, mẹ cậu bé phải nghỉ hẳn việc để cùng con chiến đấu với bệnh tật. Nhà nghèo nay càng kiệt quệ hơn. "Nhiều lúc con uống nước cũng đau và nói sao không để con chết đi chứ sống như này khổ quá. Những lúc vậy rất thương con nhưng không biết làm thế nào", người mẹ nghẹn ngào.
15h chiều 20/8, Trung tâm điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM có bệnh nhân chết não và hiến thận cho Bệnh viện Nhi đồng 2. Hệ thống báo động đỏ liên viện được kích hoạt, chỉ sau một ngày bệnh nhi đã hoàn thành các xét nghiệm lâm sàng phù hợp để tiến hành ghép thận.
Bác sĩ Tùng cho biết, thời điểm được ghép thận, bệnh nhi đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Khác với các trường hợp ghép thận từ người cho sống, lần này ê-kíp sẽ ghép từ người hiến chết não.
Với các ca ghép từ người sống, ê-kíp phẫu thuật thuận lợi hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép. Còn trường hợp này, ê-kíp phẫu thuật không thể biết trước để phác họa rõ ràng.
Vậy nên, ngoài quy trình chặt chẽ, việc vận hành các khoa phòng đồng loạt triển khai, yêu cầu ê-kíp phẫu thuật phải thao tác chuẩn xác, kịp thời, nhanh chóng. Kết quả, sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca ghép thận đã thành công.
"Ca ghép này mang tính chất nhân văn lớn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bé. Trước đây, ba của bé có dự định hiến thận cho con nhưng tuổi cao, lại là lao động duy nhất trong gia đình. Tất cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương bảo vệ ít ỏi của người cha nên khi ghép thận cho bé, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã tích cực vận động hỗ trợ chi phí cho ca mổ", bác sĩ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tùng, trước nay Bệnh viện Nhi đồng 2 thường thực hiện các ca ghép thận ở người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng.
Nguồn tạng nói chung, và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu, đồng thời là xu hướng chung trên thế giới. Điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam.
Giáo sư Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: "Chúng tôi đã kiến nghị không dưới 20 lần về việc nên sửa đổi luật về hiến, ghép tạng Việt Nam về độ tuổi được cho phép hiến tạng. Hiện nay, luật mới chỉ cho phép ở người từ 18 tuổi trở lên, trong khi nhiều trường hợp trẻ dưới 18 tuổi bị chết não nhưng không được hiến vì luật. Hy vọng, trong các kỳ họp Quốc hội tới luật về hiến tạng sẽ được thông qua cho phép trẻ dưới 18 tuổi được hiến tạng dưới sự đồng ý của gia đình hoặc người giám hộ".