Mạo danh Công ty Shopee Mall
Chị N.T.B ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, thời gian qua nhận được cuộc gọi từ người lạ giới thiệu tuyển dụng cộng tác viên cho một hãng thời trang rất nổi tiếng với thông tin: Phòng nhân sự Yody tuyển dụng.
Tuy nhiên, khi kích vào đường dẫn thì có một nhân viên tự giới thiệu mời tham gia vào mua hàng ảo trên hệ thống và sẽ được hoàn lại tiền từ 10 đến 15%.
Như ảnh trên, các đối tượng này để dụ dỗ được những "con mồi" đã tự tạo ra căn cước công dân, thẻ nhân viên của Shopee và Thông báo tuyển dụng việc làm online. Thậm chí, các đối tượng này còn gửi cho khách hàng cả Hợp đồng mẫu của có tên Shopee.
Người tự xưng là nhân viên của Shopee, còn cung cấp 1 căn cước công dân và thẻ nhân viên Shopee mang tên N. M.L để giúp cho chị B tin tưởng.
Theo giải thích của N.M.L, nhiệm vụ của cộng tác viên là tham gia mua các sản phẩm trên Shopee. Để tạo niềm tin cho chị B thì L còn đưa ra cam kết 100% hoàn lại tiền, kèm với ít nhất là 10% hoa hồng tuỳ từng đơn hàng.
"Sau khi họ trào mời, thấy có các thông tin như căn cước công dân, thẻ nhân viên của Shopee, tôi tin tưởng nên cứ như bị "thôi miên" làm theo", chị B cho biết.
Cũng theo chị B, lúc đầu L gửi cho một đường dẫn có ghi rõ nhiệm vụ là phải thanh toán đơn hàng trên hệ thống của Shopee để kích ảo cho khách hàng vào trang này mua hàng.
"Lúc đầu tôi thanh toán mấy sản phẩm là mỹ phẩm như sữa rửa mặt, dầu gội đầu chỉ 300 - 500 nghìn đồng/đơn hàng thì khi thanh toán thành công, đều thấy được hoàn tiền lại và cộng thêm % hoa hồng", chị B nói.
Tuy nhiên, đến đơn hàng thứ 3 chị B phải mua một chiếc váy trị giá hơn 2 triệu đồng. "Họ yêu cầu phải thanh toán 3 lần mới nhận được cả gốc và lãi, vì nhiệm vụ chưa hoàn thành" - chị B kể lại.
Nhân viên tự xưng của Shopee liên tục thúc giục đóng thêm tiền vào nếu không hệ thống sẽ tự khoá. Muốn lấy lại tiền thì phải mang căn cước công dân tới trụ sở của Shopee sau 12 tháng hoặc 24 tháng mới được hoàn lại.
"Tôi đã đi hỏi vay bạn bè để đóng thêm tiền vào thanh toán nhằm lấy tiền của mình ra nhưng cũng may là chưa vay được kịp. Nếu không, cách lừa của những kẻ như L sẽ làm cho người mất tiền như không tìm thấy hướng ra", chị B nói.
Chị B cho biết, chỉ đến khi mất tiền, chị B mới dám nói với chồng, con và khi đó mới tỉnh ngộ bị kẻ xấu lừa mất tiền. "Chẳng hiểu sao khi đó lại u mê, làm theo tất cả những gì L nói mà không tìm hiểu lại. Giờ gọi điện lại cho L thì không được còn trang facebook của L cũng chặn tôi nên không vào được nữa", chị B nói.
Đại diện Shopee khẳng định mạo danh lừa đảo
Trao đổi với Dân Việt về những phản ánh của bạn đọc bị dụ dỗ mua hàng online rồi lừa tiền, đại diện Shopee cho biết, đó là hành vì của các đối tượng lừa đảo, mạo danh thương hiệu của Shopee.
"Đối với các thông tin tuyển dụng được gửi đến thông qua tin nhắn điện thoại, cũng như các nội dung quảng cáo về việc tuyển dụng cộng tác viên tăng đơn hàng, chúng tôi xin khẳng định đây không phải là các vị trí do Shopee đăng tuyển.
Hiện tại, tất cả các thông tin tuyển dụng chính thống của Shopee chỉ được đăng tải tại trang thông tin việc làm của chúng tôi careers.shopee.vn, tài khoản Facebook chính thức Shopee Careers có tick xanh, tài khoản LinkedIn chính thức của Shopee và tại các trang tin tuyển dụng uy tín hiện đang là đối tác của Shopee.
Shopee thường xuyên gửi đến người dùng các cảnh báo thông qua tin nhắn trong ứng dụng nhằm giúp người dùng đề cao cảnh giác hơn với hình thức lừa đảo này.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dùng nhanh chóng báo cáo với Shopee khi nhận thấy hoạt động nào mà họ cho là đáng ngờ. Để biết thêm thông tin về các hành vi gian lận và các biện pháp phòng ngừa cần thiết, người dùng có thể truy cập trang Shopee Hỗ Trợ hoặc liên hệ ngay với tổng đài chăm sóc khách hàng của Shopee tại hotline để được hỗ trợ sớm nhất", đại diện Shopee cho biết.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Hoàng Ngọc – Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự cho biết: Rõ ràng các dấu hiệu tuyển cộng tác viên như trên là đã đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo này thậm chí còn táo tợn tới mức là mượn danh một số đơn vị có tên tuổi như Shopee, Lazada, Tiki…thậm chí có thể còn làm giả cả văn bản, giấy tờ, mẫu hợp đồng, thẻ nhân viên và cả căn cước công dân cũng là làm giả.
"Hành vi là quá rõ ràng và hoàn toàn có thể chứng minh được, chỉ là cơ quan công an có bắt được các đối tượng này hay không thôi. Vì rất có thể các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng lại không có mặt ở Việt Nam", luật sư Ngọc cho biết.
Theo Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rất rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lừa đảo tuỳ từng mức độ có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ và cao nhất có thể bị phạt tù tới 15 năm tuỳ từng mức độ, hành vi vi phạm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hình thức lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên mua hàng online đã xuất hiện khoảng một năm trở lại đây nhưng đến nay vẫn có nhiều người mất tiền oan.
Cụ thể, trước đó, ngày 16/12/2021, Công an TP.Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này. "Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty rồi sẽ nhận lại được tiền gốc, cộng thêm chiết khấu 10 - 20%. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền cho công ty, cộng tác viên sẽ không nhận được lại tiền", Công an TP.Hà Nội cho biết.
Cơ quan Công an cũng yêu cầu khi phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.