Nguyễn Hữu Chỉnh là nhân vật có dấu ấn rất đậm nét trong thời đại Lê Mạt - Tây Sơn. Thuở thiếu thời, ông được gia đình cho học hành đầy đủ kiến thức Nho giáo, thông thạo kinh sử. Năm 16 tuổi, ông thi đỗ Hương cống (Cử nhân) nên còn gọi là Cống Chỉnh. Năm 18 tuổi, ông dự khoa thi Tạo sĩ (tiến sĩ võ), đỗ hạng Tam trường. Có thể nói, ông là người toàn tài văn võ, tài hoa, phóng khoáng, ít bị câu thúc bởi lẽ thường.
Phụ thân của Nguyễn Hữu Chỉnh là Nguyễn Hữu Mẫn là một người cha rất hiểu con, lúc đầu chỉ muốn con được mở rộng tầm mắt giao du với hào kiệt, để noi theo kiến công lập nghiệp. Ông Hữu Mẫn không đi thi nhưng là phú thương nổi tiếng giàu có, học rộng, làm môn khách của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc - danh tướng lão luyện của chúa Trịnh.
Được cha giới thiệu gặp quận Việp, mới gặp quận công họ Hoàng nhận biết ngay Hữu Chỉnh là tuấn kiệt bèn nhận vào giúp việc thư ký việc quân dưới trướng. Tại kinh kỳ Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh nổi tiếng phong lưu, tài tử, quan hệ rất rộng.
Trong nhà ông thường mời hàng chục tân khách tới cùng uống rượu, ngâm thơ, bày tỏ chí hướng kinh bang tế thế. Trong số tân khách được mời có Lê Cảnh Thuận là người rất hợp Chỉnh. Cảnh Thuận vốn quê gốc ở Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, thuộc dòng dõi Đô Thắng bá Lê Cảnh Sắc (lúc này họ tộc Lê Cảnh thống lĩnh thủy quân cùng các chi họ Lê khác cho chúa Nguyễn ở Quảng Trị - Thừa Thiên).
Thỉnh thoảng, Chỉnh rủ Thuận đi xem đào hát ở các kỹ viện lớn ở kinh kỳ. Một lần, vào kỹ viện "Phượng cầu hoàng", thấy một thanh niên tự xưng là lái buôn ăn vận sang trọng đang co kéo, lơi lả với kỹ nữ Mai Thị Phấn, Chỉnh lặng yên xem họ đối thoại và tỏ vẻ bất bình với tên thương lái nọ. Hắn xưng là phú hộ xứ Thanh, đã đến nghe hát 3 lần, chưa từng để ý cô gái nào, chỉ say mê cô Phấn đến điên đảo, nay muốn đặc biệt mời cô biểu diễn riêng tư suốt đêm.
Cô trả lời chỉ bán nghệ không bán thân và cười mỉa: "Anh nói không để ý đến ai ngoài tôi là dối gạt. Tôi thấy từ áo anh bốc lên mùi phấn của kỹ nữ hạng sang đấy". Chỉnh không nhịn được cũng can thiệp: "Túc hạ tự cho là phú hộ nhưng tôi quan sát thấy ngón tay huynh chắc khỏe, cạnh bàn tay dày có chai, kiểu vung tay che thân như ra quyền... chắc là giang hồ biết võ công. Hãy biết tự trọng".
Thương lái nổi giận bảo: "Ngươi cũng biết thương hoa tiếc ngọc, nhưng có bản lĩnh gì mà lắm chuyện". Nói rồi, tay trái kéo cô Phấn vào lòng, vung tay phải đấm thẳng vào mặt Chỉnh, Chỉnh vẫn ngồi, né người khỏi cú đấm, chân phải đạp vào cẳng chân đối phương, tiện tay xỉa chiếc quạt vào mắt địch thủ khiến hắn lùi luôn mấy bước, rồi chạy khỏi cửa.
Chỉnh không thèm đuổi theo, cùng Thuận mời cô Phấn về nhà chơi. Nể ân nhân, cô Phấn cũng bằng lòng. Từ đó, cô trở thành mỹ nhân tri kỷ, khi hát xướng, khi đàm luận văn chương với Chỉnh, Thuận và bằng hữu khác rất vui vẻ. Qua cô Phấn giới thiệu, Chỉnh chọn nuôi thêm hơn 10 đào hát, vũ nữ trong nhà và tự soạn bài hát, phổ vào đàn sáo, cùng họ và bạn bè Chỉnh biểu diễn chung vui.
Không chỉ văn thao võ lược hùng tài, Chỉnh là người hào hoa, quảng giao; có tài hùng biện của một thuyết khách, lại mang cốt cách phong lưu của một nhà thơ, bụng đầy kinh luân, người ôm hoài bão lập công thay đổi thời đại.
Nguyễn Hữu Chỉnh còn nổi tiếng về tài thơ văn quốc âm, lúc nhỏ đã từng ứng khẩu làm bài thơ Vịnh cái pháo. Tác phẩm chính của ông gồm: Ngôn ẩn thi tập, Cung oán thi, các bài phú Quách Tử Nghi, Trương Lưu hầu, Văn tế Cả Cống, Văn tế chị, bài Tần cung nữ oán Bái công; các bài ca Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Ngũ luân vãn...
Sử sách đều đánh giá Nguyễn Hữu Chỉnh là danh tướng cuối đời Hậu Lê, quê làng Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An. Năm 1774, chúa Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Thuận Hóa, Nguyễn Hữu Chỉnh được làm Tham quân tư thừa đi theo.
Quận Việp tin tưởng giao ấn kiếm cho Chỉnh vào xứ Quảng phong cho Nguyễn Nhạc làm quận công trấn giữ Quảng Nam chống chúa Nguyễn. Thấy khí độ của Chỉnh, Nguyễn Nhạc rất nể trọng.
Năm 1777, quận Việp mất, Chỉnh dựa vào thế lực Huy quận công Hoàng Đình Bảo (con nuôi quận Việp). Năm 1778, Chỉnh được giao chức Hữu tham quân của quận Huy tại Nghệ An, chỉ huy thủy quân luôn đánh thắng cướp biển, nên có tiếng về thủy chiến và được tôn xưng là "chim cắt vùng biển" (hải điêu).
Biết tin quận Huy về triều phò tá con nhỏ chúa Trịnh Sâm, bị loạn kêu binh làm phản giết chết; Chỉnh cùng binh tướng thân tín theo đường biển trốn vào Quảng Nam đúng lúc Nhạc vừa xưng vương được Nguyễn Nhạc phong làm Hữu quân cho Nguyễn Huệ.
Ông đã bộc lộ tài năng quân sư kiệt xuất, giúp Tây Sơn tổ chức đánh chúa Trịnh, lập công lớn phò tá Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân rồi tiến ra Bắc diệt Trịnh, tạo ra thế cục mới. Trong chiến dịch Bắc tiến, Chỉnh và Vũ Văn Nhậm đều là tướng tiên phong.
Dẹp xong thế lực chúa Trịnh, Chỉnh còn thiết kế nên cuộc hôn nhân chính trị của Nguyễn Huệ và công chúa Lê Ngọc Hân mới 16 tuổi - con gái yêu của vua Lê Hiển Tông. Là 1 người võ phu hẹp hòi, Tả quân Vũ Văn Nhậm rất ghen ghét với chiến công, phong thái lịch duyệt bất phàm của Hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh, nên luôn tìm cớ hãm hại Chỉnh.
Vua anh Nguyễn Nhạc vốn không muốn mở rộng thế lực ra Bắc, sợ Nguyễn Huệ lấn át quyền mình nên mang 500 quân tốc hành ra Bắc thúc em mình mang quân về Nam. Nhậm nhân dịp này dèm với anh em Tây Sơn rằng: Chỉnh là người tuy tài nhưng lòng dạ khó lường, cứ để hắn lại đất Bắc cho dân Bắc Hà xử lý, còn ta bí mật đi trong đêm về Đàng Trong.
Thế rồi khi Chỉnh biết quân Tây Sơn đã rút, bản thân bị tiếng xấu "cõng rắn" "Tây Sơn" cắn gà nhà "Lê - Trịnh" nên Chỉnh sợ lắm bèn vội vàng chạy theo đến Nghệ An mới đuổi kịp, Nguyễn Huệ ái ngại bèn cho ở lại trấn thủ Nghệ An, nhưng để Vũ Văn Nhậm giữ Quảng Bình, bọn Ngô Văn Sở đóng gần đó đề phòng Chỉnh.
Được vua Lê Chiêu Thống vời về triều trấn áp phe Trịnh Bồng nổi lên, Chỉnh ra sức tiêu diệt bọn Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng Tế, Trịnh Bồng... và được vua phong tước Bằng trung công, chức Bình chương quân quốc trọng sự (ngang tể tướng), quyền nghiêng thiên hạ, nhiều người không dám nhìn thẳng mặt.
(Còn nữa)