Mới đây, thông tin Tập đoàn Geleximco ký thỏa thuận với Tổng Công ty Viglacera (VGC) để thuê lại diện tích 50 ha đất và cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô điện tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang nhận được sự quan tâm lớn của người dùng ô tô tại Việt Nam.
Cái tên Geleximco chưa thể "phủ rộng" ở Việt Nam như Tập đoàn VinGroup hiện đang sở hữu thương hiệu ô tô Việt đầu tiên là VinFast.
Cũng lắp ráp, cạnh tranh với VinFast ở mảng xe điện, nhưng Geleximco sẽ phát triển theo hướng riêng và lãnh đạo dự án xe điện Geleximco đặt nhiều kỳ vọng về sự phát triển của xu hướng phương tiện “xanh” trong tương lai.
Xe "xanh" thân thiện với môi trường hiện đang là xu hướng phát triển mới của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Ở các thị trường châu Âu, các hãng đang dần điện hóa những sản phẩm của mình khi đến năm 2035, động cơ Diesel sẽ chính thức chấm dứt “nhiệm kỳ” để nhường chỗ cho công nghệ Hybrid và xe điện.
Còn ở Việt Nam, VinFast sẽ là hãng xe thuần điện đầu tiên từ xe máy đến ô tô với việc loại bỏ xe xăng và tập trung phát triển các sản phẩm xe điện.
Geleximco là một Tập đoàn kinh tế đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, bất động sản, điện và ngân hàng… Dự án xe điện sẽ là lần đầu tiên Tập đoàn này đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng vào xu hướng mới của thị trường này tại Việt Nam.
Trả lời Dân Việt, đại diện Ban dự án ô tô Tập đoàn Geleximco cho biết: “Geleximco không theo hướng của VinFast mà lấy thương hiệu và kiểm soát chất lượng của đối tác”.
Geleximco sẽ không xây dựng một thương hiệu ô tô hoàn toàn mới như cách mà VinGroup đang làm với VinFast. Geleximco sẽ đầu tư vào một thương hiệu có sẵn trên thị trường hiện nay, tuy nhiên vẫn chưa tiết lộ cụ thể. Đồng thời, Geleximco sẽ kiểm soát chất lượng các sản phẩm là ô tô điện của đối tác.
Điều đó đồng nghĩa, Geleximco sẽ không tự tạo ra một thương hiệu xe riêng mà tập trung phát triển nhà máy, nhân lực để lắp ráp, phân phối những sản phẩm xe điện trong tương lai. Đây chính là cách mà 2 “ông lớn” ở Việt Nam là Thaco và TC Motor đang làm.
Sự phát triển nhanh chóng và rầm rộ của xe điện hiện nay là một áp lực lớn với Geleximco khi đơn vị này hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ sở để Geleximco tự tin vào hướng đi đúng đắn của dự án xe điện này.
Cũng theo Geleximco, Tập đoàn này sẽ phát triển theo xu hướng của thế giới và sự quan tâm của Chính phủ để phát triển xe công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường và có tính cạnh tranh cao.
Hiện nay, Chính phủ đang dành sự những ưu đãi đặc biệt để xe điện phát triển trong tương lai. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, quy định mức nộp lệ phí trước bạ của ô tô điện chạy pin sẽ là 0% trong 3 năm, tính từ 1/3/2022.
Với chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho ô tô điện kể, Geleximco sẽ cơ sở để kỳ vọng sự phát triển với tính cạnh tranh cao ở Việt Nam.
Để phát triển dự án xe điện "xanh", Geleximco đã có những bước chuẩn bị kỳ càng về nguồn vốn. “Vốn đầu tư giai đoạn 1 là 300 triệu USD và tổng cho cả 2 giai đoạn là 500 triệu USD”, đại diện dự án xe điện của Geleximco chia sẻ.
Theo đó, giai đoạn 1 của nhà máy Geleximco sẽ bắt đầu triển khai xây dựng từ quý 1/2023 và dự kiến đưa vào hoạt động từ quý III/2023 với quy mô lắp ráp khoảng 50.000 ô tô/năm và sẽ tạo công ăn việc làm cho 1.200 nhân lực.
Trong khi đó, giai đoạn 2 của nhà máy Geleximco dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2030 với kỳ vọng lắp ráp được khoảng 100.000 ô tô/năm và tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.500 - 3.000 lao động.
Geleximco dự kiến số vốn đầu tư “khủng” đến 800 triệu USD vào dự án xe xe điện "xanh" tại Việt Nam. Và để thành công ở một lĩnh vực mới như ô tô điện, Geleximco cũng đã tính đến những giải pháp để có thể thành công trong tương lai.
“Bài toán hợp tác luôn được Geleximco ưu tiên hàng đầu từ nguồn cung phụ tùng và đảm bảo những lợi thế mà Geleximco sẵn có ở Việt Nam”, đại diện dự án xe điện của Geleximco khẳng định.
Có thể thấy, Geleximco khá tự tin với với nguồn cung ứng phụ tùng, vật liệu từ đối tác để sản xuất, lắp ráp ô tô điện. Đây cũng là yếu tố then chốt quyết định đến sự thành bại của mỗi nhà sản xuất ô tô hiện nay khi hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chưa thể tự chủ nguồn linh kiện, phụ tùng cho việc sản xuất, lắp ráp xe.
Mặc dù sẽ phụ thuộc vào các đối tác cung ứng linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô điện, nhưng Geleximco sẽ lựa chọn đối tác chất lượng vừa đảo bảo có những sản phẩm tốt, an toàn, giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt vừa đảm bảo bảo vệ môi trường… để hướng tới thành công, đại diện Ban dự án ô tô Tập đoàn Geleximco khẳng định.
Với việc Tập đoàn Geleximco tham gia cạnh tranh trên thị trường ô tô hiện nay sẽ giúp người dùng có thêm những lựa chọn mới. Đặc biệt, khi xu hướng xe điện lên “ngôi” như hiện nay, việc đa dạng thương hiệu, giá cả cạnh tranh sẽ giúp mỗi sản phẩm được nâng cao chất lượng, hoàn thiện và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Trong khi đó, khi được hỏi về việc Geleximco xây nhà máy sản xuất ô tô, xe điện, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Whatcar, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về thị trường ô tô tại Việt Nam đánh giá:
"Càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất ô tô, xe điện càng tốt, càng đáng mừng. Gia tăng sự cạnh tranh cũng giúp cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Vấn đề là họ sẽ làm thế nào, nghiêm túc theo đuổi mục tiêu, quyết tâm đến đâu".
Geleximco hiện do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tập đoàn này hiện đang đầu tư nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp. Trước dự án nhà máy ô tô tỉnh Thái Bình, Geleximco đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp tổng đầu tư hàng trăm triệu USD khác như nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (900 triệu USD); Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long (270 triệu USD); Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy An Hòa (450 triệu USD).