Kế hoạch kinh doanh iPhone 14 xách tay của nhiều người bị đổ bể bởi Apple đổi chính sách bán hàng. Tại các thị trường lân cận Việt Nam, việc xếp hàng mua máy bị hạn chế, ưu tiên trả hàng cho người đặt qua website. Đồng thời, lượng hàng không dồi dào khiến việc mua được các phiên bản Pro/Pro Max màu tím (Deep Purple), vốn là màu mới và được quan tâm trở nên khó khăn.
Đa phần các máy này đều được mua trên chợ đen, với giá chênh lệch 4-6 triệu đồng so với mức tại cửa hàng Apple. Do đó, để đảm bảo hòa vốn, có lời, người bán máy xách tay phải đẩy giá sản phẩm lên cao. Sau 4 ngày về Việt Nam, các phiên bản iPhone 14 Pro Max vẫn có giá giao dịch trên 40 triệu.
Chia sẻ với truyền thông, những người kinh doanh iPhone xách tay lâu năm cho biết họ chỉ mua được một lượng rất ít iPhone 14 Pro/Pro Max từ Apple Store, nhà bán lẻ ủy quyền của Apple tại các quốc gia lân cận. Do đó, để đủ máy kinh doanh, không bỏ lỡ đợt hàng quan trọng, họ chọn mua máy của nhiều nguồn hàng bán lại.
“Hôm đầu mở bán iPhone, đã có người dàn mấy chục chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max trước cửa Apple Store Icon Siam để bán lại. Chênh mỗi máy với giá gốc từ cửa hàng là 5.000 baht (khoảng 3,2 triệu đồng). Đến ngày hôm sau, giá tăng thêm 5.000 baht, mỗi máy đắt hơn đến hơn 6 triệu đồng”, ông Nguyễn Thanh Tùng, một người mua iPhone ở Thái Lan chia sẻ.
Dù giá bán lại cao, những người không lấy được máy từ Apple Store buộc phải mua lại để chuyến buôn hàng không trắng tay.
Ông Hoàng Văn Thuận, chủ một cửa hàng iPhone tại quận Bình Thạnh, TP.HCM có mặt ở Singapore từ trước ngày mở bán để chuẩn bị cho việc mua iPhone, thuê người xếp hàng tại Apple Store. Tuy nhiên, lượng máy bán hạn chế khiến kế hoạch của người này đổ bể.
“Số máy tôi kiếm được trong ngày đầu không thấm vào đâu so với lượng khách đặt trước. Phần gom được, tôi giao người mang về trước. Bản thân phải hủy vé máy bay, ở lại thêm mấy hôm để gom hàng về bán”, ông Thuận kể lại.
Rơi vào thế khó vì đã nhận cọc của khách, người bán này buộc phải mua lại máy trên thị trường chợ đen từ người bản xứ. Mức chênh lệch cho mỗi máy iPhone 14 Pro/Pro là 5-6 triệu đồng so với giá gốc. Riêng bản màu tím mới còn đắt hơn.
Ngoài ra, việc mua lại máy dạng này không thể được áp dụng chính sách hoàn thuế tại quốc gia sở tại. Các năm trước, mỗi chiếc iPhone người Việt xếp hàng mua được hoàn thuế 1-2 triệu đồng tại sân bay nước bạn.
Hiện tại, nguồn hàng máy iPhone 14 trong nước chủ yếu đến từ Singapore, Thái Lan. Thiết bị đến từ các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong vẫn chưa có nhiều.
Đồng thời, số máy hiện có không đủ đáp ứng nhu cầu khách muốn mua sớm. Các phiên bản iPhone 14 Pro/Pro Max màu Deep Purple luôn trong tình trạng cháy hàng. “Máy về bao nhiêu là hết bấy nhiêu. 10 máy bán ra có 8 chiếc màu tím”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, chủ một cửa hàng điện thoại tại quận 10, TP.HCM nói.
Do đó, giá iPhone 14 xách tay vẫn ở mức cao, chưa giảm nhiều sau 4 ngày mở bán. Cụ thể, chiếc iPhone 14 Pro Max vẫn được các cửa hàng báo giá 42-45 triệu đồng.
Theo người bán, giá máy gốc tại Singapore là khoảng 29 triệu đồng, thêm 5-6 triệu chênh lệch vì phải mua lại. Cộng thêm các chi phí di chuyển, ăn ở trong nhiều ngày tại Singapore, nên giá vốn mỗi chiếc đã khoảng 36-38 triệu đồng. “Không thể có lời nếu bán máy giá dưới 40 triệu”, ông Thuận chia sẻ.
Ngoài ra, mức hoàn thuế 1-2 triệu đồng cũng có thể giúp giảm một phần chi phí chuyến buôn, bổ trợ vào giá bán. Việc Apple không bán hàng trực tiếp, buộc phải đặt qua website khiến giá đội thêm.
Mặt khác, khan hàng model iPhone 14 Pro/Pro Max là tình hình chung tại nhiều thị trường, nên nguồn hàng mới vẫn khá hạn chế. Thông thường, giá iPhone xách tay sẽ giảm sau 3-5 ngày mở bán. Tuy nhiên, do khan hàng nên giá iPhone 14 vẫn giữ ở mức cao.
Theo ông Thuận, giá máy có thể được điều chỉnh trong tuần tới khi nguồn hàng từ Hong Kong, Nhật Bản, Mỹ cập bến. Nếu lượng máy vẫn ít, người dùng có thể phải đợi đến khi có sản phẩm chính hãng.