Nguyễn Thị Kim Dung (quê Đồng Nai, quản lý hơn 40 người ở sòng bài Lucky 88, đóng ở Campuchia) chia sẻ với phóng viên: "Chiều 17/9, tôi thấy mọi người bỏ chạy tán loạn về phía cổng công ty. Không hay biết chuyện gì, thấy mọi người chạy, tôi cũng chạy theo và được công an phía Campuchia hỗ trợ đưa đi".
Chị Dung chia sẻ thêm, công việc của chị phải quản lý hơn 40 người, chủ yếu xem mọi người làm việc có nghiêm túc hay không. Chị nói, biết là công việc này lừa đảo nhưng phải làm, vì không làm thì không đủ chỉ tiêu, qua 6 tháng không đủ chỉ tiêu thì phải đền hợp đồng.
Nói về hoạt động của các nhân viên tại đây, chị Dung thổ lộ: "Chỉ tiêu hồi đầu của các nhân viên mới qua phải làm việc 150% thời gian, về sau giảm còn 125%. Nếu không làm nổi buộc phải tăng ca".
Đặng Thị Hiền (quê Cà Mau, 1 trong số 71 người Việt làm việc tại casino ở Campuchia) thổ lộ: Làm ở công ty này hở tí là bị phạt. Làm không được hay không đủ chỉ tiêu sẽ bị bán qua công ty khác. Nhóm của chị Hiền làm việc tại công ty này gồm có 4 người. Trong quá trình làm việc 1 người vô tình gác chân lên ghế đã bị quản lý công ty bán qua công ty khác. Hiện nhóm 3 người còn lại của chị Hiền vẫn chưa liên lạc được với người bị bán kể trên.
Một quản lý từ sòng bạc casino ở Campuchia vừa trốn chạy về Việt Nam chia sẻ. Clip: CTV
Cụ thể về tính chất công việc của mình, chị Hiền chia sẻ: Hàng ngày chị ngồi gọi khách hàng để mời người ta nạp tiền vô game bằng hình thức gọi điện khách hàng trên Tiktok. "Alô, em chào anh chị, em bên công ty nhà phát hành Tiktok Việt Nam". Sau đó chị kêu khách kết bạn Zalo, rồi chuyển qua bên "CEO 1".
"Chúng tôi chỉ ngồi điện thoại, còn bên "CEO 1" sẽ hướng dẫn khách các bước tiếp theo. Có rất nhiều người bị gạt, có người bị gạt đến hơn một tỷ đồng. Chúng tôi cảm thấy bứt rứt quá vì là người Việt lại đi lừa người Việt, chúng tôi cảm thấy không làm được nên… tháo chạy luôn", chị Hiền bộc bạch.
Theo lời chị Hiền, trong công ty một tổ trung bình có 10 người, sẽ thay phiên nhau gọi điện dẫn dắt khách nạp tiền vào. "Nó kêu khách nộp vô đi, xong nhiệm vụ này nó sẽ cho mình rút tiền, nhưng cuối cùng nộp càng nhiều càng chết. Thật sự, chúng tôi là những người làm chúng tôi biết. Dính vô chỉ có đường không còn nhà cửa", chị Hiền nói.
Cũng theo chị Hiền, tất cả mọi người ở đây hiện không ai có một ngàn nào trong túi. Chủ quản của công ty là tên Ly, hành chính tên Phong. "Tất cả những người đó là ôm tiền đi hết, không hỗ trợ cho nhân viên công ty", chị Hiền nói.
Chị Hiền mới vào công ty này làm 3 tháng, làm đủ tiền chuộc thân mới được về nhà. Tiền chuộc chị Hiền được biết hơn 2.000 USD. Quá trình làm nếu không đủ chỉ tiêu, chị Hiền sẽ bị bán với giá 3.000 USD.
"Cứ thế càng bị bán, công ty càng lời, mình càng không có đường về. Thực sự về tới thấy biên giới Việt Nam chúng tôi rất mừng, không biết nói gì hơn…", chị Hiền xúc động nói.
Theo lãnh đạo Công an huyện Mộc Bài, các phương án tiếp đón bà con từ Campuchia về Việt Nam như sau: Lực lượng công an, phối hợp với các lực lượng chuyên môn tỉnh và biên phòng sẽ hỗ trợ giúp đỡ bà con về thủ tục giấy tờ. Sau đó, phối hợp với các địa phương, nếu bà con có nhu cầu thì đưa về địa phương.
"Hiện nay chúng tôi đang chủ động cùng với biên phòng, khi bà con có nhu cầu về nước, sẽ có lực lượng công an, biên phòng sẵn sàng hỗ trợ. Đối với trường hợp những người yếu thế, bà con nên đến trực tiếp chính quyền Campuchia nhờ người ta liên lạc với chính quyền Việt Nam để hỗ trợ đưa về nước; hoặc liên hệ với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia để được hỗ trợ", vị lãnh đạo Công an huyện Mộc Bài nói.