Hội Nông dân huyện Thanh Sơn hiện có trên 17.000 hội viên đang sinh hoạt tại 23 cơ sở hội trên địa bàn huyện.
Để khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vốn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
Trong giai đoạn 2017- 2022, huyện Thanh Sơn đã có 53.737 lượt hộ đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét, có 34.853 lượt hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Thông qua phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã nhằm tạo liên kết sản xuất, mở rộng quy mô phát triển kinh tế nông hộ.
Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hội viên, nông dân làm kinh tế giỏi đạt hiệu quả kinh tế cao, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Trịnh Bá Thông (khu Trại Yên, xã Yên Sơn) đem lại doanh thu 500-600 triệu đồng/năm; mô hình nuôi giun quế của hội viên Nguyễn Mạnh Thuyết (khu Chanh, xã Sơn Hùng) với doanh thu 20 - 25 triệu đồng/tháng; mô hình sản xuất nước sạch, đá sạch của hội viên Hà Trường Hải với doanh thu 300-400 triệu đồng/năm; mô hình xưởng may của hội viên Đinh Thị Hương (xã Thạch Khoán) đem lại doanh thu 5 tỷ đồng/năm…
Bên cạnh đó, nhằm giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã xây dựng đề án vận động phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện.
Đến nay, đã vận động, phát triển được gần 2 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp hội viên vay sản xuất, chăn nuôi; quản lý ủy thác vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh và Trung Ương Hội NDVN trên 2 tỷ đồng.
Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, nông dân, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 100 tỷ đồng.
Đồng thời, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã phối hợp thực hiện hiệu quả chương trình liên kết 4 nhà. Cụ thể, phối hợp với Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ về vật tư nông nghiệp, cây giống, con giống, tổ chức thực hiện nhiều mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, phát huy thế mạnh của mỗi vùng miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng.
Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Võ Miếu, nuôi gà thả đồi tại xã Địch Quả, mô hình trồng táo tại xã Lương Nha; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây ngắn ngày cho thu nhập cao tại xã Tinh Nhuệ; mô hình thâm canh chế biến chè an toàn đạt năng suất, chất lượng cao tại các xã Võ Miếu, Văn Miếu, Sơn Hùng…
Cũng từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau và giảm nghèo bền vững, đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với các các hộ hội viên nông dân còn gặp khó khăn bằng cách tạo công ăn việc làm, hỗ trợ nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất.
Giai đoạn 2017- 2022, đã tạo việc làm tại chỗ cho trên 14.000 lao động, giúp đỡ 340 hộ thoát nghèo, hỗ trợ xóa 8 nhà tạm cho hội viên nông dân.
Bà Đỗ Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khẳng định, việc phát động hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân phát triển thông qua nguồn vốn của hội đã và đang tạo "đòn bẩy" giúp nông dân dám nghĩ, dám làm, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào của hội, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh.