Từ thời Lý, Trần, ngoài Quốc Tử Giám ở kinh thành tuyển chọn con em các nhà quyền quý vào học, triều đình mở trường học ở các lộ để bồi dưỡng nhân tài. Sau khi đánh thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ cũng rất quan tâm đến vấn đề gây dựng nhân tài.
"Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết, ngay năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu cho ở kinh đô thì lập Quốc Tử Giám, lựa con cháu nhà các quan và những người tuấn tú trong nhân dân sung làm giám sinh; ngoài các lộ thì lập trường học ở từng lộ, lựa các con em những nhà lương thiện trong dân gian sung làm lộ hiệu sinh; cử những nhà nho đáng làm thầy đứng ra dạy dỗ.
Quy chế của khu Quốc Tử Giám – trường đại học của triều đình – vào thời vua Lê Thánh Tông, năm 1483, được mô tả trong "Toàn thư" như sau: "Đằng trước nhà Thái học dựng Văn Miếu. Khu vũ của Văn Miếu có: Điện Đại Thành để thờ tiên thánh; Đông vũ và Tây vũ chia ra thờ các tiên hiền và tiên nho; điện Canh phục để làm nơi thay trang phục; một kho để chứa đồ tế khí và một phòng học để làm nhà bếp. Đằng sau nhà Thái học, dựng cửa Thái học, nhà Minh luân.
Giảng đường phía Đông và giảng đường phía Tây thì để làm chỗ giảng dạy các học sinh. Lại đặt thêm kho bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách; bên Đông, bên Tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh trong ba xá, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian, để làm chỗ nghỉ ngơi của học sinh; bên Đông, bên Tây mỗi bên đều có một nhà bia, quy mô có phần rộng lớn khang trang lắm".
Theo chế độ của triều Lê, con cháu các quan viên, người nào thi hương dự trúng 3 kỳ, được sung vào hiệu sinh trong phủ mình, dự trúng bốn kỳ được sung vào giám sinh ở Quốc Tử Giám, còn quân hoặc dân nếu có người nào ứng thí mà trúng tuyển cũng không được dự. Đến năm 1483, vua Lê Thánh Tông ra sắc lệnh: Quân hoặc dân, nếu thi hương dự trúng 3 kỳ, được sung vào sinh đồ trong phủ mình, dự trúng 3 kỳ được sung vào học sinh trong Tăng Quảng đường ở Quốc Tử Giám.
Về "ba xá" học sinh trong Quốc Tử Giám, được giải thích chi tiết: Giám sinh ở Quốc Tử Giám, nếu thi hội dự trúng 3 kỳ, được sung vào thượng xá sinh, dự trúng 2 kỳ, sung vào trung xá sinh, dự trúng một kỳ, sung vào hạ xá sinh; mỗi xá lấy 100 người.
Đặc biệt, theo quy định của thời Lê sơ, mỗi học sinh đều được cấp 9 tiền làm lương ăn học. Đến khi bổ dụng, do Quốc Tử Giám bảo cử (tiến cử có bảo lãnh) và bộ Lại lựa chọn cất nhắc; học sinh trong 3 xá đều nhất luật như nhau, không có gì phân biệt. Sau Phó Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm (tiến sĩ khoa Bính Tuất – 1466) xin vua tăng lương ăn học hàng tháng của các xá sinh, theo đó, thượng xá sinh, cấp thêm cho đủ một quan; trung xá sinh cấp cho 9 tiền; hạ xá sinh cấp rút xuống 8 tiền. Đến khi cất nhắc trao cho quan chức, thì ông cũng xin lấy thượng xá sinh 3 phần; trung xá sinh 2 phần; hạ xá sinh một phần, để phân biệt cấp bậc các xá sinh khác nhau, mà nhân tài đều biết khuyến khích.
Sang đến triều Nguyễn, thời vua Gia Long mới tổ chức các kỳ thi Hương, đến thời vua Minh Mạng mới bắt đầu tổ chức kì thi Hội. Sau khi vua Minh Mạng lên ngôi, năm Minh Mạng thứ 2 (1821), ban 8 điều ân điển, trong đó dành một điều cho việc giáo dục, đó là: Những người đã nộp quyển để dự sát hạch vào lớp cao đẳng ở Quốc Tử Giám từ năm này trở về trước, thì các viên Tế tửu, Tư nghiệp cho gọi đến mà ra bài thi ở trước mặt, lấy trúng 100 người, chia làm ba hạng ưu bình thứ, làm danh sách do bộ Lễ đề đạt để cho làm giám sinh, cấp cho tiền gạo theo thứ bậc khác nhau.
Sau kì thi Hội năm 1822, vua Minh Mạng sai bộ Lễ truyền dụ rằng Hương cống các khoa mà thi Hội không trúng cách, như có tình nguyện ở Quốc Tử Giám học tập thì bổ làm Giám sinh, cấp cho lương lẫm; ai muốn về quê hương cũng đồng ý cho về. Người nào chưa dự thi Hội thì bộ Lễ cho đòi mùa thu này đến Kinh xét hạch, đúng thực thì vẫn tuân dụ chỉ cho theo sở nguyện.
Năm đó, số được lấy vào Quốc Tử Giám là 27 người, triều đình cấp cho lương tháng, mỗi tháng Giám sinh được nhận 3 quan tiền, 2 phương gạo, 5 cân dầu (để thắp đèn). Nhà vua dụ rằng: "Đó là ý trẫm săn sóc văn học, cốt cầu người thực dụng. Tế tửu, Tư nghiệp (của Quốc Tử Giám) phải hết trách nhiệm làm thầy, hết lòng dạy bảo. Giám sinh các ngươi cũng phải dùi mài để được nên công, ngõ hầu không phụ ý tốt chấn hưng văn học, gây dựng nhân tài của trẫm".
Nhưng đến mùa đông năm 1823, quy định về lương tháng cho giám sinh Quốc Tử Giám của triều Nguyễn lại thay đổi, theo đó, mỗi quý sẽ tổ chức sát hạch một lần vào tháng giữa quý (tháng trọng).
Ai đỗ hạng ưu mới được hưởng 3 quan tiền, 2 phương gạo, 5 cân dầu. Ai xếp hạng thứ thì tiền giảm xuống chỉ còn 1 quan 5 tiền, gạo 1 phương, dầu 3 cân. Ai hai khóa đều đỗ hạng ưu, thì được thưởng tiền 1 quan, gạo 1 phương.
Ai ba khóa đều ưu, sẽ được bộ Lại tâu lên xin bổ dụng. Khóa trước hạng bình, khóa này hạng ưu, thì cấp lương theo hạng ưu. Khóa trước ưu, khóa này bình, cùng khóa trước thứ, khóa này bình, hay hai khóa đều bình, thì cấp lương theo hạng thứ.
Ai khóa trước hạng bình, khóa này thứ, sẽ bị đình cấp lương 1 tháng. Hai khóa đều thứ, sẽ bị đình cấp lương 2 tháng. Đặc biệt giám sinh nào 4 khóa đều thứ sẽ bị đuổi về.