Tôi đến Hà Nội lần đầu vào năm 1996, thời ấy, những cô cậu học trò năm cuối ở miền núi như chúng tôi đứa nào cũng mong muốn được đi Hà Nội ngay sau kì thi tốt nghiệp. Chúng tôi đi Hà Nội để vội vã đến các lò luyện thi cấp tốc, mong muốn kiếm tìm cơ hội làm ngắn khoảng cách về kiến thức trước khi lao vào thi Đại học.
Trước khi đi, lũ chúng tôi được dặn dò để tránh đủ thứ đáng sợ ở nơi phồn hoa ấy rằng Hà Nội rộng mênh mông với những con đường dọc ngang chằng chịt trông na ná như nhau nên cái "lũ ngố" ở thị trấn miền núi bé xíu có mỗi một cái ngã ba xuống đấy rất dễ đi lạc như chơi; rằng người Hà Nội vốn giàu sang và kín đáo nên họ ứng xử cẩn trọng và lạnh nhạt; rằng ở Hà Nội hỏi đường một câu, xin một ngụm nước, ngồi nhờ một chút … đều phải trả tiền; rằng ở Hà Nội… Nhưng Hà Nội vẫn hấp dẫn chúng tôi bằng giấc mơ về một nơi phồn hoa đầy ánh sáng. Vậy nên chúng tôi đi…
Tôi may mắn được ở nhờ một gia đình người Hà Nội trong làng Dịch Vọng Hậu. Một gia đình có ba thế hệ sống trong ngôi nhà nhỏ ở sâu trong ngõ Đa Lộc. Hồi còn trẻ bác trai từng công tác ở miền núi rồi mới trở lại làng khi đã nghỉ hưu.
Ngôi nhà cấp bốn nhỏ với mảnh sân nhỏ và gian bếp cũng rất nhỏ là nơi ở của cả gia đình có tới bảy người. Một cụ bà, bác trai bác gái, ba anh con trai và một cô con gái. Con gái bác hơn tôi một tuổi đang học khoa tiếng Pháp của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Tôi được ở cùng phòng với chị, đó là căn phòng nhỏ cơi nới ra từ một phần mái hiên kéo dài. Căn phòng được trang trí gọn gàng xinh xắn. Trước tôi, gia đình bác cũng đã từng đùm bọc con cái của đồng nghiệp cũ về Hà Nội dự thi như thế.
Tôi chủ tâm ngắm thật kỹ cái cổng màu vàng ở ngay đầu vào ngõ. Đó là cái cổng xây kiểu cũ đậm màu hoài cổ. Cái màu ve vàng đậm đã loang lổ vết rêu phong cũng nhuốm màu hoài cổ rất dễ được nhìn thấy giữa những ngôi nhà mặt kính lung linh hay những kệ giá chất đầy hàng hóa của cả một dãy dài những cửa hàng và siêu thị trên tuyến đường Xuân Thủy.
Cái cổng ngõ Đa Lộc nửa như trầm mặc nghiêm cẩn, nửa như gần gụi thân thuộc ấy là tiêu điểm, là chỗ đánh dấu để tôi nhớ mà về sau mỗi lần lơ đơ bước ra khỏi lò luyện thi đầy người hầm hập. Gần một tháng dài như thế, ngày nào tôi cũng vừa đi vừa ngóng tìm cái cổng vào ngõ màu vàng.
Rồi tôi thi đại học, ba đợt thi ở ba địa điểm khác nhau với tổng cộng chín ngày vừa làm thủ tục vừa làm bài thi. Bác trai rong ruổi trên chiếc xe máy cũ đèo tôi đi từng chỗ; bác chở tôi đi về dưới cái nắng hè gay gắt ban trưa và những lúc tan tầm người xe kẹt dài trên phố.
Bác chở tôi chạy ra chạy vào qua cái cổng ngõ màu vàng cũ kĩ ấy với dáng vẻ lặng trầm lo lắng như mẹ, như cha. Bác gọi tôi dậy sớm để ăn bát phở sáng, bác đợi tôi bước ra khỏi phòng thi với ánh mắt thẳm sâu khích lệ. Đường đến giấc mơ của tôi có thêm những giọt mồ hôi của một người đã từng vô cùng xa lạ.
Sau này, ngôi trường mà tôi chọn theo học là trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ kí túc xá của trường đến nhà bác chỉ cần đi bộ. Thế là tôi thỉnh thoảng lại vào ra dưới cái cổng vàng đã được sửa sang, sơn mới.
Khi thì ngày chủ nhật được nghỉ nên chạy sang ngắm bà cụ tóc vấn đuôi gà ngồi trên phản giã trầu bằng chiếc cối nhỏ xíu. Nghe bác trai giảng giải về cây hồng tú cầu cả năm chỉ nở cụm hoa tròn đỏ mơ màng một lần duy nhất và cây ngâu thơm hoa trắng li ti. Lúc thì bám theo bác gái, bác dâu, bác cả trong họ mà cũng tay năm tay mười trong ngày giỗ chạp.
Con bé miền núi thô vụng vốn chỉ biết ăn cho no bụng giờ cũng cầm con dao nhỏ nhọn mà tẩn mẩn tỉa hoa cà rốt hay chẻ trái ớt đỏ tươi để bày biện trên mâm. Có lúc tôi chạy đến để ngồi ôm má ngắm chị gái dáng thon, da trắng với đôi mắt rất đẹp dưới hàng mi cong vút mơ màng tủm tỉm kể chuyện có anh chàng hàng xóm hay kiếm cớ sang chơi. Ánh trăng lặng vàng trên sân nhỏ, tiếng đàn nguyệt từ căn gác nhà bên vọng xuống nỉ non, trong vắt...
Hà Nội với tôi giờ đã là một phần kí ức thân thương cho dù tôi đã rời Hà Nội lâu rồi. Lần gần nhất tôi đi qua chiếc cổng vàng để vào trong ngõ thì chỉ còn thấy ngõ nhỏ dài hun hút dưới những tầng cao.
Bà cụ và bác trai đều đã về miền khác, bác gái và các anh các chị cũng đã chuyển đi. Chỉ còn chiếc cổng vàng thấy tôi lặng lẽ trở ra trong chiều đông mưa rơi lất phất.
Bài viết Câu chuyện xúc động về gia đình người Hà Nội chan chứa tình người dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.