Dân Việt

Luật ngầm ở "chợ đuổi" Xuân La (Bài 2): Chốt tiền luật và những cuộc mặc cả với Tổ Tự quản

Nhóm phóng viên 28/09/2022 09:06 GMT+7
Tổ trưởng Tổ Tự quản trật tự phường Xuân La (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) sau khi đàm phán mức giá “thuê vỉa hè” không quên dặn dò: “Chẳng may bị bắt, đừng bảo các chú là thu tiền nọ kia”.


Người buôn bán muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè phải nộp tiền cho thành viên tổ tự quản

Chốt "tiền luật" ở chợ Xuân La

Sau vài ngày nắm được giờ giấc, quy luật chợ đuổi ngõ 28 Xuân La, nhóm PV Dân Việt tìm được một vị trí cố định chưa có tiểu thương nào "xí chỗ" lâu dài để bày hàng. Như dự đoán, không phải đợi lâu người của Tổ Tự quản trật tự đã liên hệ để "vào việc".

z3752906189331_9706c4c8873fea55e32bdc4d79186eb2.jpg

Cảnh buôn bán tấp nập tại vỉa hè, lòng đường ở ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi có biển cấm họp chợ.

Sáng 26/7, sau khi chúng tôi đã bày hàng, ổn định chỗ ngồi, ông Nguyễn Đình Vệ - Tổ trưởng Tổ Tự quản trật tự đứng từ xa vẫy tay gọi vào phía Trung tâm văn hóa thể thao của phường Xuân La để nói chuyện. Đây cũng là lần đầu, chúng tôi nghe chính người của Tổ Tự quản trật tự khẳng định đây là "chợ đuổi".

"Cứ ngồi đi xong đầu tháng nộp cho anh em. Mấy hôm nữa thôi, hôm nay là 26 rồi. Nhìn thấy xe ô tô (xe của Công an phường Xuân La - PV) là chạy nhớ chưa, không thì nó nhìn thấy nó thu nó phạt đấy.

Chợ này chợ đuổi. Đồ cho lên xe máy, che vào! 

Cái thùng xốp, cái chậu cứ cho lên xe để gọn vào. Đừng để nó bắt. Bắt thì bảo bọn em mới ra này kia, trình bày như thế. Chẳng may bị bắt, đừng bảo các chú là thu tiền nọ kia" – ông Vệ nói.

ẢNH 13.jpg

Trung tâm văn hóa thể thao của phường Xuân La, nơi ông Vệ gọi PV (trong vai người bán hàng) vào để nói chuyện.

Chúng tôi không hỏi ông Vệ danh xưng "NÓ" trong câu "nó nhìn thấy, nó thu nó phạt" được vị Tổ trưởng Tổ Tự quản nhắc đến là ai. Nhưng qua lời các tiểu thương khác và gần 2 tháng ngồi chợ, theo chúng tôi hiểu đó là lực lượng Công an phường thường xuyên đi kiểm soát bằng xe ô tô tải nhỏ.

Bởi theo quan sát của PV, xe của lực lượng Công an phường thường xuyên xuất hiện tại chợ, tuyên truyền, xử lý tình trạng vi phạm trật tự đô thị, nhiều trường hợp vi phạm đã bị thu giữ hàng hóa.

Tiếng loa từ chiếc xe đi tuần của lực lượng Công an phường yêu cầu rất kiên quyết, các tiểu thương không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nhưng khi chiếc xe nhỏ lăn bánh khỏi khu chợ, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại tái diễn. 

Để xảy ra việc tiểu thương lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở ngõ 28 Xuân La có sự "gợi ý" từ thành viên Tổ tự quản trật tự, tất nhiên là phải "làm luật".

Trở lại buổi đàm phán đầu tiên với Tổ Tự quản trật tự, sau khi nghe chúng tôi trình bày là người mới, lại dăm bữa nửa tháng mới đến chợ, ông Vệ đồng ý với mức 400 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, người đàn ông này chưa nói cách thức thu tiền như thế nào. 

Tuy đã "chốt" tiền luật hàng tháng, nhưng cũng như các tiểu thương khác, chúng tôi thường xuyên phải nhanh chân bê hàng vào ngõ mỗi khi chiếc xe tải nhỏ của Công an phường xuất hiện.

Những lúc này, vị Tổ trưởng Tổ Tự quản trật tự từng cho phép chúng tôi "cứ ngồi đi" cũng lớn tiếng yêu cầu phải dọn ngay, nhưng hành động có khác so với lúc chưa "chốt đơn". Nhưng Tổ Tự quản trật tự sẽ không thu đồ mà để tự dọn dẹp, rồi tự giải tán, xe đi lại dọn hàng ra.

ẢNH 16.jpg

Khi đi cùng lực lượng Công an phường, ông Vệ liên tục tuýt còi yêu cầu tiểu thương phải dọn hàng ngay, nhưng cũng chính ông Vệ là người gợi ý cho các tiểu thương đóng tiền để được bán ở vỉa hè.

Nhưng khi chưa đạt được thỏa thuận, tiểu thương buôn bán sẽ bị yêu cầu rất gắt phải di dời, thậm chí thành viên Tổ Tự quản trật tự rất hăng hái thu giữ hàng hóa, phương tiện để lực lượng Công an xử lý vi phạm.

Như ngày 24/7, gần chỗ chúng tôi bày hàng có một thanh niên đi xe máy chở hai sọt bưởi đến bán. Không lâu sau, ông Vệ đã có mặt yêu cầu đứng gọn vào. Ngay sau đó, một người phụ nữ được cho là "có liên quan đến Tổ Tự quản" đến yêu cầu người này phải nộp tiền "luật".

ẢNH 17A.jpg

Người đàn ông bán bưởi phải chấp nhận đóng luật ở chợ "đuổi" khi móc ví đóng 20.000 đồng tiền đứng bán hàng một buổi chợ.

Thanh niên bán bưởi không đồng ý vì mới đến, chưa bán được nhiều lại không có ý định làm lâu dài ở chợ. Thái độ của vị Tổ trưởng Tổ Tự quản trật tự thay đổi ngay lập tức, yêu cầu xử lý nghiêm.

Một lúc sau, "ma mới" phải chấp nhận luật ở chợ đuổi khi móc ví đóng 20.000 đồng tiền đứng bán hàng một buổi chợ.

Ngày 8/8, UBND phường Xuân La ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về việc tăng cường xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường tại tuyến ngõ 28, 38 Xuân La và phố Vệ Hồ đường ven hồ Tây, đường Võ Chí Công. Ngày 10/8, phường Xuân La phối hợp cùng Công an quận Tây Hồ ra quân xử lý vi phạm.

Mặc cả thất bại, bị hành thường xuyên

Nhiều tiểu thương "tố", chợ đông là vậy nhưng Tổ tự quản thu tiền không bỏ sót một ai từ hàng thịt cá, hải sản cho đến bà bán rau.

Chị Hiên (tên đã được thay đổi) - một tiểu thương bán tại chợ chia sẻ thông tin sau khi biết chúng tôi mới "chốt đơn tháng": "Mới đầu ai cũng vậy cả, sẽ thu từ vài trăm nghìn đồng, nhưng khi các ông ấy thấy buôn bán được sẽ tăng giá ngay, bắt tiểu thương è cổ để đóng. Nhìn từng mặt hàng để "thịt"!".

ẢNH 20.jpg

Một tiểu thương được nhóm Tổ tự quản trật tự “hỏi thăm”.

Anh Mạnh (tên đã được thay đổi) - người bán tôm bức xúc: "Đưa 200.000 đồng nó không lấy, đòi 400.000 đồng. Tôi chỉ ngồi có một cái rổ bé bé thế này mà ông ấy đòi thu 400.000 đồng, tôi gạt ngay rồi. Tháng trước thu 200 nghìn đồng nhưng tháng này đã đòi gấp đôi".

z3752907832231_92e0e2a33870cbc45f8580a882e371fe.jpg

Biển cấm họp chợ ở cả đầu và cuối ngõ 28 Xuân La, nhưng chợ cóc trái phép vẫn tồn tại nhiều năm qua.

Người đàn ông bán tôm ở chợ đuổi ngõ 28 Xuân La không đồng ý với mức giá mới. Quá trình mặc cả giữa hai bên không thành, anh Mạnh liên tục được Tổ Tự quản trật tự "hỏi thăm".

Anh Mạnh nói với chúng tôi: "Nếu không đóng khả năng anh sẽ ngồi đây không yên, chắc phải chuyển về chỗ ki ốt (vợ anh Mạnh đang bán khu vực vỉa hè đoạn ki ốt).

Cùng hoàn cảnh tương tự,  chị Linh bán đồ đông lạnh "đe"" chúng tôi nếu không đóng tiền sẽ phải khổ như thế nào.

cảnh chị Tuyến thu tiền người bán hàng 2.jpg

Để buôn bán trên vỉa hè, lòng đường các tiểu thương phải nộp tiền để được "yên thân".

“Tự nhiên tháng này các ông đòi tăng giá lên, những tháng trước có làm sao đâu.

Những ai không đóng thì họ hành lắm. Nọ có bà bán bún miến không đóng, mấy hôm sau họ bốc lên xe thùng ngay, lên xin, nài nỉ mãi họ bắt đóng phạt rồi lại về. Ở chợ này các ông như ông trời con, là vua một vùng, ai mà không đúng ý chỉ có bị hành đến mức phải đóng tiền mới thôi”, chị Linh bức xúc.

Cách thức thu tiền luật ở chợ đuổi ngõ 28 Xuân La cũng đa dạng. Phải mất nhiều thời gian, nhóm PV Dân Việt mới phát hiện ra "cánh tay nối dài" để thu tiền cho Tổ Tự quản trật tự.