Ngày 27/9, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) thông tin, huyện đã chỉ đạo các xã và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai phương án ứng phó cơn bão số 4 (Noru).
Theo ông Mạnh, tính đến hiện tại, các lực lượng chức năng đã vận động và tổ chức di dời 20 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Cụ thể, tại xã Đăk Rơ Ông, chính quyền và các ngành chức năng đã vận động và di dời 6 hộ dân với 32 nhân khẩu ở ven suối đến nơi an toàn; trong đó, có 2 hộ với 12 nhân khẩu di dời về điểm Trường tiểu học thôn Kon Hia 1 và 4 hộ còn lại về ở nhà người thân. Tại xã Văn Xuôi, lực lượng chức năng đã vận động và tổ chức di dời 14 hộ với 51 nhân khẩu ở thôn Đăk Văn nằm trong vùng nguy sơ sạt lở đến nơi an toàn ở nhà người thân trong thôn.
Song song với đó, huyện Tu Mơ Rông tổ chức các lực lượng gồm công an, xã đội phối hợp với người dân tại các xã dùng loa di động đi khắp các thôn làng, khu sản xuất trên địa bàn tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống bão số 4 để qua đó giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Là địa phương có nguy cơ xảy ra sạt lở, ông A Đe - Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho hay: "Chúng tôi đã thông báo và cử cán bộ đến từng gia đình trong thôn để hỗ trợ gia cố, chằng chống lại nhà cửa đảm bảo an toàn. Đồng thời, chúng tôi cũng thông báo cho bà con hạn chế đi lại trong lúc mưa bão để tránh ảnh hưởng đến tính mạng. Đối với các khu vực nhà dân không đảm bảo thì sẽ tổ chức di dời đến các điểm trường thôn để tránh trú".
Trong khi đó tại huyện Kon Plông, ông Đặng Quang Hà - Chủ tịch UBND huyện thông tin: "Ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 4, chúng tôi rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Trong sáng nay, tất cả học sinh đã được nghỉ học và phụ huynh đưa về nhà. Chúng tôi cũng sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu".
Ông A Hương, Trưởng thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho biết: "Khi nghe thông tin bão số 4 sắp đổ bộ, người dân trong thôn rất lo lắng và sợ mưa bão gây sạt lở nhà cửa. Mặt khác lo sợ lương thực bị hư hại, ẩm mốc do mưa nên người dân cũng đã đưa gạo, thóc cất trữ vào các kho của làng ở nhà rông, nhà dân kiên cố".
Tại huyện Đăk Glei, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời những hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn như: nhà có khả năng tốc mái: 447 nhà; hộ ngập lụt: 170 hộ; hộ có khả năng sạt lở đất: 323 hộ; hộ di dời: 424 hộ; dự kiến di dời 1.236 khẩu và 11 điểm trường có thể di dời (nguy cơ sạt lở, ngập úng).
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 nên từ chiều ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 thì trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt có khả năng đạt 100 - 350mm, có nơi trên 400mm. Mưa lớn nguy cơ xảy ra lũ lớn, ngập lụt, lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc.