Dân Việt

Trẻ nhiễm virus Adeno có tự khỏi bệnh không?

Gia Khiêm 28/09/2022 10:24 GMT+7
Trước việc nhiều trẻ nhỏ nhiễm virus Adeno, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh do virus này gây ra. Tuy nhiên, đa số bệnh sẽ tự hết, cách điều trị cũng như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus.

Trẻ nhiễm virus Adeno có tự khỏi bệnh?

Khoảng 2 tháng nay, số ca bệnh virus Adeno được phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như một số bệnh viện tại Hà Nội tăng cao một cách đột biến. Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong một tháng vừa qua, cơ sở này đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm adenovirus, trong đó có đến 80% bệnh nhi từ các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Trẻ nhiễm virus Adeno có tự khỏi bệnh? - Ảnh 1.

Nhiều trẻ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng bệnh nhi nhập viện đã tăng gấp 3 lần so với thời gian trước, trong số này có đến 2/3 do viêm đường hô hấp trên. Qua xét nghiệm phát hiện một tỷ lệ tương đối cao trẻ dương tính virus Adeno. Theo các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn số lượng trẻ dương tính adenovirus có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Việc số ca mắc virus Adeno ngày càng tăng cao khiến phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em lúc giao mùa. Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, phụ huynh không cần quá lo lắng về virus Adeno và nguy cơ trẻ nhiễm phải virus Adeno. 

Trẻ nhiễm virus Adeno có tự khỏi bệnh? - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội khám cho một bệnh nhi nhiễm virus Adeno. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bác sĩ Khanh, virus Adeno là loại virus hợp bào gây bệnh về hô hấp ở người đặc biệt rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Virus Adeno lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, thời gian ủ bệnh khoảng 8 - 12 ngày. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở, thở khò khè, rối loạn tiêu hóa...

Bác sĩ Khanh cho rằng, không nên so sánh tỷ lệ bệnh nhân nhiễm virus Adeno với 2 năm trước do 2 năm trước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số trẻ bị mắc bệnh hô hấp tương đối ít. Nếu muốn biết bệnh hô hấp tăng đột biến hay không thì nên so sánh với năm có số ca bệnh đông nhất của bệnh hô hấp theo mùa.

"Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus Adeno, đa số bệnh nhân nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi bệnh. Cách điều trị bệnh cũng giống như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus gây ra. Chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết để tránh xảy ra tình trạng bội nhiễm. Những trẻ mắc các bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não, bệnh phổi mạn tính, hệ miễn dịch yếu, nhiễm vi trùng đặc biệt là vi trùng kháng thuốc rất dễ trở nặng khi nhiễm bệnh. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ này vì trẻ rất dễ mắc bệnh, khi nhiễm virus thì rất dễ trở nặng", bác sĩ Khanh đưa ra khuyến cáo. 

Những triệu chứng cảnh báo cần lưu ý

Theo các bác sĩ, virus Adeno thường hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Ở những bệnh nhân ghép gan, ghép thận, ghép tủy xương cũng có thể dễ bị nhiễm loại virus này. Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ biểu hiện một số hội chứng lâm sàng chồng chéo bao gồm:

- Viêm mũi họng, cảm giác mệt mỏi do nhiễm lạnh và chưa có biểu hiện sốt.

Trẻ nhiễm virus Adeno có tự khỏi bệnh? - Ảnh 3.

Một bệnh nhi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Gia Khiêm

- Viêm họng xuất tiết không do liên cầu: Lúc này người bệnh sẽ bị sốt kéo dài từ 2 - 12 ngày kèm theo đau cơ, toàn thân mệt mỏi. Đau họng thường biểu hiện bằng sung huyết lan tỏa, có những chấm xuất tiết, hạch to vùng cổ. Ho đôi khi kèm theo có ran ở phổi, trên phim X-quang có hình ảnh viêm phổi. 

- Sốt viêm họng - kết mạc: Người bệnh bị sốt, mệt mỏi, bị viêm kết mạc (thường ở một bên) và viêm họng ở mức độ nhẹ.

- Viêm kết - giác mạc thành dịch lây truyền từ người này sang người khác thường gặp ở người lớn, biểu hiện bằng đỏ kết mạc một bên, đau mắt, chảy nước mắt, hạch to ở vùng trước tai. Viêm giác mạc dẫn tới đục dưới biểu mô (đặc biệt là do tuýp 8, 19 hoặc 37).

- Viêm bàng quang xuất huyết cấp: Bệnh thường gặp ở trẻ em do adenovirus tuýp 11.

- Loét tiết niệu sinh dục lây lan qua đường tình dục và viêm niệu đạo do virus Adeno tuýp 2, 8 và 37.

- Viêm dạ dày ruột cấp tính: Do tuýp 40, 41 gây ra tình trạng lồng ruột và rất hiếm gây viêm não, viêm màng ngoài tim.

Cho tới nay, vẫn chưa có vaccine phòng virus Adeno vì virus này có rất nhiều chủng. Vậy nên, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là rửa tay, khử khuẩn thường xuyên; cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ; cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cần thiết.

 Người lớn khi bị cảm nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với trẻ nhỏ để tránh trẻ bị nhiễm bệnh.

Trước tình hình ca virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội có chỉ đạo khẩn với các cơ sở khám chữa bệnh để ngăn bùng dịch.

Trong đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người nhiễm virus Adeno. Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm, trong trường hợp phát sinh lây nhiễm cần phải tiến hành xử lý quyết liệt.

"Tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno. Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng… cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến Thành phố hoặc tuyến Trung ương, để đảm bảo an toàn cho người bệnh", Sở Y tế chỉ rõ.

Sở Y tế Hà Nội cũng giao Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm) và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Chuyên khoa đầu ngành Nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Adeno cho các đơn vị trong ngành.