Tôn Quyền đích thực là bậc anh hùng, từng được Tào Tháo tán thưởng - "Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu".
Dưới thời Tôn Quyền cai trị Đông Ngô, thế lực nước này được xem là hùng mạnh. Là quận chúa của Đông Ngô, Tôn Thượng Hương cũng được xem là "cành vàng lá ngọc".
Trong khi đó, Lưu Bị dù là lãnh đạo một thế lực quân phiệt, dù được tiếng "ngang vai" với Tôn Quyền, nhưng thực lực kém xa.
Hơn nữa, Bị được đánh giá là "quê mùa chất phác, phiêu bạt nửa đời người". Bất luận Bị và Tôn Thượng Hương "tương ngộ" ra sao đều bị coi là "một sai lầm".
Chính vì vậy, nguyên nhân thực sự khiến bá chủ Giang Đông chịu gả "kim chi ngọc diệp" Tôn Thượng Hương cho "ông già" Lưu Bị, đến nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Thực tế, với thực lực quân sự của Đông Ngô, Tôn Quyền không hề e ngại thế lực của Bị.
Thứ nhất, dưới trướng Đông Ngô, nhân tài văn võ "như mây trên trời", Giang Đông nổi danh "địa linh nhân kiệt".
Văn thần có Trương Chiêu, Trương Hoành, Gia Cát Cẩn... Võ tướng có Cam Ninh, Trình Phổ, Hoàng Cái, Lăng Thống...
Các nhân vật như Chu Du, Lỗ Túc, Lục Tốn thậm chí được đánh giá là "dụng binh như thần", văn võ kiêm toàn.
Ngoại trừ quy mô tổng thể lực lượng và địa bàn Đông Ngô không bằng Tào Ngụy, Tôn Quyền thực chất hoàn toàn có khả năng "ngẩng cao đầu" làm bá chủ Giang Đông.
Thứ hai, Tôn Quyền đã là đời thứ 3 của Tôn gia cát cứ Giang Đông.
Trải qua 3 đời phát triển, dân giàu nước mạnh, hiền tài "tùy nghi sử dụng". Về điểm này, Gia Cát Lượng đã nói với Lưu Bị ngay từ ngày Lượng "xuất sơn".
Đông Ngô, không cần nghi ngờ gì, là lực lượng "binh hùng tướng mạnh", Lưu Bị không phải ngày một ngày hai có thể so bì được.
Thứ ba, Tôn Quyền cùng Chu Du sau khi đại thắng tại Xích Bích, tiếng tăm lừng lẫy vô cùng.
Bên cạnh đó, trong vai trò là phe cầm trịch trong liên minh quân sự với Lưu Bị, thực lực Đông Ngô cũng hoàn toàn áp đảo Lưu Bị - thời điểm đó lực lượng thiệt hại nghiêm trọng sau thất bại ở Kinh Châu trước Tào Tháo.
Việc Tôn Quyền gả Tôn Thượng Hương cho Lưu Bị, sử liệu Trung Quốc nói rằng không phải do mưu kế của Chu Du, mà thực chất là Tôn Quyền "cam tâm tình nguyện".
Trong "Tam Quốc Chí - Lưu Bị bản truyện", sử gia Trần Thọ cho rằng, Tôn Quyền nhận thấy thế lực của Lưu Bị dần dần lớn mạnh, nên mới chủ động gả em gái cho Bị.
Hôn sự này được diễn ra vào năm 209 (năm Kiến An thứ 14, Hán Hiến Đế). Việc Lưu Bị rước dâu Giang Đông là một trong những sự kiện lịch sử trọng đại.
Các học giả hiện đại đã nêu ra một số luận điểm để lý giải tính toán của Tôn Quyền khi kết thông gia với Thục Hán.
Thứ nhất, Tôn Quyền xét đến toàn cục.
Ngay từ trước đại chiến Xích Bích, Lỗ Túc đã khuyên Tôn Quyền "nên qua lại" với Bị.
Thời điểm đó, Tào Tháo vừa đoạt Kinh Châu từ tay Lưu Bị. Với tài năng chính trị trác tuyệt của mình, Lỗ Túc đã không bỏ lỡ thời cơ "hội kiến" và lung lạc Bị, nhờ đó mới hình thành liên minh Tôn - Lưu, đem tới chiến thắng Xích Bích.
Đặc biệt hơn, đại chiến Xích Bích là chiến dịch quan trọng nhất trong lịch sử Tam Quốc, đóng vai trò quyết định trong việc hình thành cục diện "tam phân thiên hạ".
Lưu Bị đã nhanh tay chiếm giữ 4 quận Kinh Nam, đẩy mạnh bành trướng thế lực quân sự, khiến Tôn Quyền "phải nhìn mình bằng con mắt khác".
Thứ hai, Tôn Thượng Hương là con gái Tôn gia Giang Đông, quan điểm của Tôn Quyền đương nhiên cho rằng em gái mình có nghĩa vụ hy sinh cho đại nghiệp của Tôn gia.
Nếu nàng không hy sinh hạnh phúc cá nhân, liên minh Tôn - Lưu khó có khả năng củng cố sâu sắc mối quan hệ, cùng tiến công Tào Tháo.
Thứ ba, dù hoàn cảnh, vai vế khác nhau, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng, Lưu Bị và Tôn Quyền đều là những bậc anh hùng thời Hán mạt, "chí lớn gặp nhau" cũng không phải là điều khó hiểu.
"Tiên chủ (Lưu Bị) đến Kinh (Giang Tô Trấn Giang ngày nay) gặp Quyền, giống như tri kỷ".
Luận điểm này cho rằng, hoàn toàn không có chuyện Tôn Quyền "giả hứa hôn" để mưu hại Lưu Bị.
Thứ tư, Chu Du từng muốn "triệt" Lưu Bị để trừ hậu họa.
Sau khi Du biết tin Lưu Bị tới Đông Ngô thành hôn, đã vội gửi thư cho Tôn Quyền.
Trong thư, Chu Du viết - "Lưu Bị là bậc kiêu hùng, lại có hổ tướng như Quan Trương, tuyệt đối không phải kẻ chấp nhận đứng dưới người khác".
Chu Du can gián Tôn Quyền nên tìm cách giữ Lưu Bị, đồng thời thực hiện kế ly gián quan hệ giữa Bị và các tướng Quan Vũ, Trương Phi.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm của Chu Du, nhân vật mưu lược như Tôn Quyền cũng có kiến giải của riêng mình.
Quyền hiểu rõ mặc dù Tào Ngụy là phe bại trận ở Xích Bích, nhưng vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với Giang Nam.
Việc mượn thế lực Lưu Bị trấn thủ Kinh Châu, đẩy Bị vào vị trí đối đầu trực diện với Tào Ngụy, để cho Đông Ngô có thêm nhiều sự lựa chọn chiến lược, chính là suy tính lớn nhất của Tôn Quyền khi tác hợp "mối lương duyên" của Bị và Tôn Thượng Hương.
Vì vậy, Quyền mới không nghe Chu Du, mà vẫn kết thân cùng Lưu Bị.
Tiếc rằng, nhiều chuyện về sau đã không theo đúng định hướng của Tôn Quyền, đặc biệt là mối quan hệ Lưu Bị - Quan Vũ - Tôn Quyền, dẫn đến liên minh quân sự tan rã.
Dù vậy, Đông Ngô vẫn "nuốt trọn" 9 quận Kinh Tương.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, hôn nhân Lưu Bị - Tôn Thượng Hương hoàn toàn không phải là "mỹ nhân kế", mà là một cuộc hôn nhân chính trị hoàn toàn bình thường vào thời đại đó.
Vấn đề cuộc sống vợ chồng Lưu Bị có hạnh phúc hay không, thực tế không phải là mối quan tâm của Tôn Quyền.
Điều quan trọng là, Tôn gia Giang Đông đã "có chân" ở ít nhất 2 thế lực quân phiệt trong cục diện "tam phân thiên hạ".
Trong vị thế một lãnh đạo quốc gia, hiển nhiên Tôn Trọng Mưu chỉ chú trọng tới đại nghiệp của Đông Ngô, tới việc ông có thể giữ vững địa bàn Giang Đông hay không.
Tôn Thượng Hương là một nhân vật đầy cá tính trong "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, nhưng thực tế có lẽ chỉ đóng vai trò "quân tốt" trên bàn cờ của người anh Tôn Quyền.