Dân Việt

Bộ Công Thương đề xuất đặc biệt về số phận dự án điện mặt trời "dang dở"

An Linh 29/09/2022 20:00 GMT+7
Dù Thanh tra Chính phủ đang thanh tra toàn diện các dự án điện tái tạo, Bộ Công Thương vẫn đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 vào trong Quy hoạch điện VIII.

Đề xuất tiếp tục đưa các dự án điện mặt trời dang dở vào Quy hoạch điện VIII

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cho biết trong năm 2022 sẽ thực hiện thanh tra toàn diện các dự án điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Các dự án nằm trong tổng sơ đồ Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh nằm tại nhiều tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đắk Nông. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát lại các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tại Tờ trình của Bộ Công Thương gửi Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), liên quan đến số phận các dự án điện mặt trời được chấp thuận nhà đầu tư, xây dựng nhưng chưa vận hành, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch, song song với đó hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn như thường lệ, nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cho biết, nếu trong quá trình thanh tra, các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện dự án nào có vi phạm, đề xuất xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí là rút giấy phép.

 Bộ Công Thương đề xuất đặc biệt về số phận các dự án điện mặt trời do vướng thanh tra - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề xuất đưa các dự án điện mặt trời "dang dở" vào Quy hoạch điện VIII (Ảnh EVN)

Liên quan tới các dự án điện mặt trời đã được duyệt và bổ sung Quy hoạch VII điều chỉnh, tại tờ trình số 2279/TTr - BCT ngày 29/4/2022, Bộ Công Thương cho biết tổng nguồn điện mặt trời được phê duyệt nhưng chưa đưa vào vận hành là 6.565MW. 

Bộ này cho rằng, tỷ trọng điện mặt trời như vậy là khá cao so với thực tế vận hành hệ thống điện nhiều nước trên thế giới, nếu tiếp tục cho phép đầu tư thêm 6.565 MW sẽ làm tỷ lệ các nguồn điện mặt trời năm 2030 tăng lên tới khoảng 14,5% tổng công suất.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất Thường trực Chính phủ cho phép tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.428,42MW để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư.

Mới đây, theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát một lần nữa các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư.

Cụ thể, 5 dự án/phần dự án (nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3 của dự án Điện mặt trời Phù Mỹ; Phần công suất của dự án điện mặt trời 450 MW; Điện mặt trời Thiên Tân 1.2, phầm dự án Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4) đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện, tổng công suất 452,62MW.

11 dự án (Ngọc Lặc, Krong Pa 2, Chư Ngọc giai đoạn 2, Phú Thiện, Đức An, Phước Thái 2, Phước Thái 3, MT1, MT2, Đức Huệ, Sơn Quang) đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị, tổng công suất 426,6 MW.

6 dự án (Thanh Hóa 1, KN Ialy Gia Lai, Trang Đức, KN Srêpôk, KN Ialy Kon Tum, Dầu Tiếng 5) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (thực hiện thủ tục đất đai, khảo sát, thiết kế…) chưa ký hợp đồng mua sắm thiết bị, chưa có thông tin về hợp đồng mua sắm thiết bị với tổng công suất 1.481,2 MW.

3 dự án/phần dự án (Mai Sơn, phần còn lại dự án khu công nghiệp Châu Đức, phần còn lại dự án Thiên Tân 1.3) chủ đầu tư không thực hiện, tổng công suất 60 MW. Theo báo cáo, tổng chi phí đã thực hiện ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng (một số dự án không cung cấp).

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/8/2022, Tổng Thanh tra Chính nêu ý kiến chỉ xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII những dự án đã hoàn thành chưa xác định giá bán, đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị và đang triển khai thi công (tổng công suất khoảng 636 MW - chưa có danh sách cụ thể).

Về vấn đề này, Bộ Công Thương thấy rằng các dự án nêu trên (trừ các dự án không thực hiện tiếp) đều đã triển khai trên thực tế ở các giai đoạn khác nhau, đã phát sinh chi phí. Vì vậy, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW (giảm so với con số đã báo cáo do một số dự án các chủ đầu tư không thực hiện tiếp).

Trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện dự án nào có vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, nếu vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật.