Cụ thể, theo tờ trình gửi UBND TP.HCM để trình HĐND TP.HCM thông qua danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn, Sở Tài nguyên Môi trường đã đề xuất cho 18 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha (với tổng diện tích 31,74ha) và 3 dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa trên 10ha (tổng diện tích 170,11ha).
Trong đó, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án nhà ở khoảng gần 30ha.
Tại quận 7, dự án chung cư cao tầng LuxStar (phường Phú Thuận) của Công ty CP Đầu tư Đất Viễn Đông cần chuyển mục đích 0,86ha đất trồng lúa. Dự án khu chung cư cao tầng (tại phường Phú Thuận) của Công ty CP Bất động sản Sông Hồng Land House cần chuyển mục đích 1,77ha diện tích đất trồng lúa để thực hiện dự án.
Tại huyện Nhà Bè, khu dân cư An Hưng (xã Nhơn Đức) của Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ An Hưng cần chuyển 8,05 ha đất trồng lúa. Khu chung cư cao tầng và thương mại dịch vụ văn phòng (xã Phước Kiển) của Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Nam Phú cần chuyển 0,93ha.
Tại huyện Hóc Môn, dự án khu dân cư (xã Thới Tam Thôn) của Công ty CP STC Corporation cần chuyển mục đích 2,38ha diện tích đất trồng lúa. Tại quận 12 có dự án khu nhà ở Thới An Luxury City của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Phát triển nhà Sang Anh cần chuyển mục đích 6,94ha diện tích đất trồng lúa.
Theo kế hoạch triển khai chương trình hành động về bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 vừa ban hành, TP.HCM sẽ giữ ổn định đất canh tác lúa 1.000ha đến năm 2025.
TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có thể sản xuất tại chỗ gần 20.000 tấn gạo, 580.000 tấn rau, hơn 46.000 tấn thịt heo, 2.000 tấn thịt gia cầm. Thu nhập bình quân hộ nông thôn đạt 100 triệu đồng/người/năm.
Đến năm 2030, TP.HCM đặt mục tiêu khả năng cung ứng nhu cầu các loại lương thực thực phẩm tăng 15% so với năm 2020, trong đó sản xuất tại TP.HCM đáp ứng 28,7% nhu cầu về rau, 8% nhu cầu thịt heo và 0,3% nhu cầu về thịt gia cầm.
Riêng tại TP.Thủ Đức, có hàng loạt dự án được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội (phường Long Phước) của Công ty CP phát triển Thành Phố Xanh cần chuyển mục đích 8,08ha diện tích đất trồng lúa. Dự án xây dựng khu căn hộ Điền Phúc Thành (phường An Khánh) có 0,07ha đất trồng lúa cần chuyển mục đích. Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng tại (phường Trường Thọ) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Bất động sản Đất Phương Nam cần chuyển 0,39ha.
Ngoài ra, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình cá nhân trên địa bàn TP cũng khoảng 1.067,68ha.
Trong đó, quận 7 (4,6ha), quận 12 (16,94ha), quận Bình Tân (13,79ha), huyện Nhà Bè (16,5ha), huyện Hóc Môn (334,28ha), huyện Cần Giờ (141,88ha), huyện Củ Chi (336,54ha), huyện Bình Chánh (193,14ha) và TP.Thủ Đức (69,87ha).
Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2020 của TP.HCM là 111.875ha, giai đoạn 2015 - 2020 diện tích đất nông nghiệp giảm 3.623ha, trung bình giảm 725ha/năm.
Trong đó diện tích đất trồng lúa năm 2020 là 15.586ha, giảm 3.089ha so với 2015 (đất chuyên trồng lúa giảm 1.468ha).
Thực tế, phần lớn quỹ đất nông nghiệp tại TP.Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, chuồng trại...) cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định về pháp luật hiện hành.
Hiện TP mới cho thí điểm xây dựng các công trình tạm trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Trước tình hình này, thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM là đầu tàu về kinh tế, du lịch, dịch vụ, nhưng vẫn giữ hơn 40% đất nông nghiệp là một con số quá lớn trong khi nông nghiệp chỉ đóng góp vào GRDP của TP là 0,8%. Trong khi đất cho công nghiệp, dịch vụ dù diện tích chỉ khoảng 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.
Chính vì vậy, TP cần xem xét cho chuyển thêm diện tích đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế là rất cần thiết. Khi chuyển đổi TP sẽ tiến hành đấu giá quỹ đất này và thu về hàng triệu tỷ đồng, tạo thêm vốn để thực hiện các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ…
Chẳng hạn, theo tính toán của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), 1 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sẽ tạo ra giá trị ước khoảng 55 tỷ đồng/năm, giá trị tăng lên hàng trăm lần. Không những thế, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đất ở cũng giúp tránh tình trạng xây dựng trái phép tràn lan thời gian qua ở các khu vực quận huyện vùng ven.
Chưa kể, sau chuyển đổi đất nông nghiệp, chỉ tiêu dân số các khu vực vùng ven sẽ tăng lên hàng trăm nghìn cư dân, mật độ xây dựng cũng sẽ tăng lên 35 - 40% so với hiện nay…
Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi này là không dễ dàng. Vì vậy, trong góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đề xuất Trung ương phân cấp cho HĐND TP.HCM được quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng với diện tích trên 10 ha đất trồng lúa. Rút ngắn thời gian thông báo đối với đất nông nghiệp từ 3 tháng xuống còn 1 tháng, đất ở từ 6 tháng xuống còn 3 tháng; phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện...