Trong Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân đã viết rất kỹ về 4 loại đan dược giúp trường sinh bất lão. Cụ thể, một loại là tiên đan được luyện trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, dành riêng cho Ngọc Hoàng.
Khi đại náo Thiên cung, trong lúc uống say, Tôn Ngộ Không đã lẻn vào lò luyện đan, đánh đổ lò nung và ăn rất nhiều tiên đan để trở thành bất tử. Có lẽ nhờ vậy mà dù bị nung trong lò bát quái, dưới sức nóng như thiêu đốt, Tôn Ngộ Không vẫn bình an vô sự và còn luyện được tuyệt chiêu Hỏa nhãn kim tinh.
Sau đó, tại đại hội bàn đào, Tôn Ngộ Không tiếp tục ăn loại đan dược trường sinh thứ 2 là đào tiên của Vương mẫu chuẩn bị. Cụ thể, trong đại hội bàn đào có tới 3 loại đào tiên. Loại thứ nhất 3.000 năm chín một kỳ, ăn vào sẽ thành tiên, nhẹ mình mà thêm sức. Loại thứ hai 6.000 năm mới chín một kỳ, ăn vào có thể bay như chim và trường sinh bất lão. Và loại cuối cùng vạn năm mới kết quả, ăn vào thì "sống bằng trời đất".
Đan dược thứ 3 Tôn Ngộ Không đã thử là nhân sâm hình trẻ con của Trấn Nguyên đại tiên dưới hạ giới. Theo truyền thuyết, người trần gian chỉ cần ngửi mùi nhân sâm này là có thể sống tới 367 tuổi còn ăn được một quả sẽ thọ tới bốn 47.000 năm.
Tuy nhiên, loại đan dược cuối cùng giúp trường sinh bất lão dù ở rất gần nhưng Tôn Ngộ Không có chết cũng không dám động vào, đó chính là sư phụ Đường Tăng. Được biết, trên hành trình thỉnh kinh, Đường Tăng luôn là mục tiêu của các loại yêu quái vì có nhiều tin đồn rằng thịt Đường Tăng giúp trường sinh bất lão. So với đào tiên và tiên đan trên Thiên cung được bảo quản kỹ lưỡng thì Đường Tăng rõ ràng là một mục tiêu dễ tiếp cận hơn đối với yêu quái.
Thế nhưng dù ngông cuồng, cao ngạo tới đâu, Tôn Ngộ Không cũng chưa từng một lần dám nghĩ tới việc làm hại Đường Tăng dù hai người vốn có nhiều mâu thuẫn. Nguyên nhân là bởi Tôn Ngộ Không dù nhiều tật xấu nhưng hoàn toàn không phải kẻ tà ác. Không những thế, Tề Thiên Đại Thánh là một nhân vật có lòng trượng nghĩa, khôn ngoan và thật sự hướng thiện. Trong số 3 đồ đệ của Đường Tăng, chỉ có Tôn Ngộ Không là người duy nhất được phong thành Phật cũng bởi những nỗ lực và sự thành tâm tu luyện của hành giả.