Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM có hoạt động nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chiếm hơn 90% giá trị sản xuất kinh tế trong nhóm ngành nông – lâm – thủy – sản của huyện và tạo công ăn việc làm cho khoảng 15% dân số ở đây.
Tuy vậy, sự phát triển của hoạt động nuôi trồng thủy sản còn bộc lộ nhiều nguy cơ phát triển chưa bền vững - đó là sự phát triển ồ ạt, tự phát, chuyển đổi và khai thác các diện tích đất nông nghiệp sang nuôi tôm mà thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ và quy hoạch vùng nuôi.
Ngoài ra, vấn đề dịch bệnh xuất hiện với tần suất cao hơn và nhiều dịch bệnh mới gây thiệt hại trên diện rộng đối với tôm và các loại nhuyễn thể. Việc sử dụng hóa chất, thuốc, thức ăn… gây ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi.
Trong đề tài "Nghiên cứu đánh giá và đề xuất phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững cho huyện Cần Giờ, TP.HCM", nhóm tác giả Viện Sinh học nhiệt đới chỉ ra, sự bền vững của các mô hình nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ bị tác động bởi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng nuôi; sự gia tăng tần suất dịch bệnh và xuất hiện bệnh mới; môi trường vùng nuôi, xử lý nước thải, bùn thải sau vụ nuôi; sự biến đổi của các điều kiện tự nhiên như lượng mưa, nhiệt độ, độ mặn…
Nhóm tác giả cũng đưa ra các nhóm tiêu chí cần có để xác định mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững ở Cần Giờ, như mô hình sản xuất sản phẩm phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương; sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt; mô hình có xác suất nuôi thành công cao; tỷ suất lợi nhuận tốt; cải thiện đời sống xã hội, phù hợp văn hóa, tập quán; phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển; bền vững môi trường (đất, nước, hệ sinh thái).
Hiện nay, Cần Giờ có 16 mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó có 3 mô hình được đánh giá là bền vững, có thể nhân rộng (nuôi tôm sú sinh thái – đầm đập, hàu và cá dứa); 6 mô hình được đánh giá tương đối bền vững (sò huyết, nghêu, tôm thẻ bán thâm canh, cua biển, cá nâu, tôm sú). Ngoài ra, có 4 mô hình ít bền vững gồm tôm thẻ tâm canh, tôm sú thâm canh, cá chim, tôm thẻ siêu thâm canh; 3 mô hình không bền vững (cá bớp, ốc hương và cá chẽm).
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng bền vững đã được nhóm tác giả xây dựng và triển khai thực nghiệm ở Ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn với hai giai đoạn ương giống và nuôi thương phẩm. Trong đó, giai đoạn nuôi thương phẩm, nhóm sử dụng rong câu và chế phẩm vi sinh EM nhằm giảm thiểu sự tích tụ của các chất hữu cơ dư thừa trong ao, ảnh hưởng đến tôm và hệ sinh thái nuôi tôm.
Kết quả, tôm đạt tỷ lệ sống trung bình ở giai đoạn 1 là 88,34%, giai đoạn 2 là 84,63%, tỷ suất lợi nhuận của mô hình đạt 0,82. Các kết quả này cao hơn mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh đang canh tác tại Cần Giờ (tỷ lệ sống trung bình đạt 79%, tỷ suất lợi nhuận 0,67). Vì vậy, mô hình này có thể nhân rộng cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở Cần Giờ.
Ngoài mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh, tại Cần Giờ còn đang áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh trong hồ lót bạt HDPE của HTX Thuận Yến mang lại nhiều lợi thế cho người nuôi bởi không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, thời gian nuôi mỗi giai đoạn ngắn nên vừa hạn chế rủi ro, vừa bảo vệ môi trường.
Được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ 30% chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước, HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng vào kỹ thuật nuôi tôm mới để đạt hiệu quả, năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Triển khai mô hình này, HTX nuôi tôm với 2 hồ nuôi diện tích 500 m2.
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Giám đốc HTX có thâm niên hơn 10 năm nuôi tôm cho rằng, kinh nghiệm nuôi tôm truyền thống cần phải kết hợp với những kỹ thuật nuôi tôm mới, giá trị kinh tế cao hơn.
"Kỹ thuật nuôi tôm truyền thống có tỷ lệ thất bại rất cao, có thể lên tới 90%. Nhưng khi ứng dụng công nghệ mới thì rủi ro sẽ thấp hơn vì mình có thể kiểm soát được môi trường - điều kiện rất quan trọng để nuôi tôm thành công", bà Nhiệm chia sẻ.
Kỹ sư Tăng Minh Trí, chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHRD), đơn vị triển khai mô hình tại HTX cho biết nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ lót bạt HDPE mang lại nhiều lợi thế cho người nuôi. Cụ thể, mô hình này không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, thời gian nuôi mỗi giai đoạn ngắn (khoảng 3 tháng cho hai giai đoạn nuôi) nên vừa hạn chế rủi ro, vừa bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi tôm này sử dụng nhà màng nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi. Nước thải của hồ nuôi được xử lý tuần hoàn. Các chất thải khác được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng.
Với kỹ thuật mới này, việc quản lý chất lượng nước phải đưa lên hàng đầu. Nông dân phải kiểm tra chỉ tiêu môi trường mỗi ngày, định kỳ kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn và ký sinh trùng 3 ngày/lần. Nếu làm tốt, tỷ lệ sống của tôm có thể đạt 80 - 90%.
Theo tính toán của AHRD, với kỹ thuật nuôi tôm mới, thời gian nuôi rút ngắn, rủi ro ít hơn, tôm nuôi đạt 3 tháng là có thể thu hoạch với sản lượng tới 40 - 50 tấn tôm/ha/vụ. Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, áp dụng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, HTX đang thực hiện kết nối với các công ty và doanh nghiệp theo chuỗi liên kết sản xuất nhằm mở rộng sản xuất và thu hút các hộ nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ tham gia vào mô hình của HTX.