Tôi hơn chồng 2 tuổi, hai đứa tình cờ quen nhau khi cùng tham gia giải chạy bộ do thành phố tổ chức. Anh không hề bận tâm chuyện tôi hơn tuổi anh, tình cảm của cả hai nhanh chóng lớn dần lên. Sau nửa năm hẹn hò, chúng tôi đưa nhau về nhà ra mắt.
Mừng thay, không bên nào phản đối cả, thậm chí còn thúc giục chúng tôi tổ chức đám cưới. Âu cũng là điều dễ hiểu vì hai đứa cũng chẳng còn nhỏ dại gì nữa cả, tôi đã 28 tuổi rồi. Nhưng vì mới yêu được nửa năm, thấy tình cảm chưa chín muồi nên tôi còn nấn ná, muốn tìm hiểu thêm một thời gian nữa. Năm 29 tuổi, tôi lên xe hoa, chính thức làm vợ của anh.
Bố mẹ chồng ở thành phố, gần nơi chúng tôi làm việc nên sau khi cưới hai vợ chồng sẽ về ở chung với bố mẹ. Bao giờ có tiền rồi, nếu muốn ra riêng thì lúc đó hai đứa sẽ mua nhà sau.
Vì công việc của tôi và anh đều bận rộn nên cả hai nhờ bố mẹ lo liệu đám cưới từ cỗ bàn, rạp cưới cho tới trang trí phòng tân hôn.
Dĩ nhiên, tôi và anh vẫn đưa tiền và góp ý cho bố mẹ. Nhìn chung mọi việc gia đình đều lo liệu chu đáo cả, chỉ có duy nhất một việc khiến tôi không hài lòng nhưng vẫn phải nghe theo vì không dám cãi lời bố mẹ chồng.
Đó là chuyện chiếc giường cưới. Bố mẹ và bạn bè tôi đều nói khi kết hôn nhà trai cần chuẩn bị giường mới, chăn ga gối đệm mới, vợ chồng ngủ trên giường mới thì sau này mọi thứ mới thuận lợi, suôn sẻ, hạnh phúc viên mãn.
Thế nhưng hai vợ chồng tôi lại phải sử dụng chiếc giường cưới cũ của người bác họ đã hơn 20 năm.
Lý do là vợ chồng người bác họ đó lấy nhau mấy chục năm rồi mà vẫn yêu thương nhau, con cái đủ nếp đủ tẻ và ai cũng công thành danh toại, có hiếu với bố mẹ. Cho nên, bố mẹ chồng bắt vợ chồng tôi phải động phòng trên chiếc giường đó để lấy may, hy vọng chúng tôi sẽ được hạnh phúc, sum vầy như hai bác.
- Các con cứ yên tâm đi, cái giường đó chắc lắm. Nó được làm bằng gỗ lim nên mấy chục năm nữa cũng không hỏng đâu. Vợ chồng bác sống hạnh phúc, có quý có thương hai đứa thì bác mới cho hai đứa để lấy may nên sau này hai đứa cứ ngủ trên giường đó cho mẹ. Chứ bây giờ mua cái giường vài triệu bạc thì khó khăn gì dâu.
Mẹ chồng nói vậy thì tôi còn nói thêm được gì nữa, thôi thì đành chiều mẹ. Có ai ngờ đâu, sau một ngày mệt nhoài với chuyện cưới xin, đêm tân hôn hai vợ chồng đang nằm quấn quýt bên nhau chuẩn bị vào cuộc thì bỗng “rầm” một cái. Giường sập, hai vợ chồng rơi phịch một cái xuống đất.
Nghe tiếng động lớn, bố mẹ ở dưới nhà chạy lên đập cửa ầm ầm hỏi lớn: “Đêm hôm hai vợ chồng làm gì mà sập giường thế kia? Phải ý tứ một tí chứ, ai lại làm ầm ầm cho sập cả giường” khiến tôi càng hoảng loạn.
Hóa ra, chiếc giường bằng gỗ lim thật nhưng ngặt nỗi 4 cái chân giường lại không được đóng bằng gỗ lim nên giờ mục cả rồi.
Khi dọn dẹp lại phòng cưới, tôi bỗng tái mét mặt khi thấy một thứ từ gầm giường rơi ra. Đó là một chiếc máy ghi âm mini. Chồng tôi cũng ngỡ ngàng khi thấy thứ đó. Tại sao lại có máy ghi âm gắn ở dưới giường, vậy là những gì vợ chồng tôi thủ thỉ với nhau lúc nãy đã bị nghe hết rồi ư?
Chồng tôi cầm chiếc máy ghi âm đi hỏi mẹ, bởi chính mẹ là người chuẩn bị phòng tân hôn thì chắc mẹ sẽ biết chút gì đó. Tuy nhiên, mẹ cũng lắc đầu nói không biết. Mãi tới khi tôi định làm to chuyện lên thì mẹ chồng mới giật thót mình, thừa nhận chính bà là người đặt máy ghi âm.
- Cô không cần phải làm to, chính tôi là người lén đặt máy ghi âm đấy thì sao nào. Cô hơn tuổi con trai tôi, nhỡ cô trèo lên đầu lên cổ con trai tôi, xúi dại nói cái gì thì sao? Tôi phải làm vậy để đề phòng cái ngày đó xảy ra.
Hai vợ chồng tôi lại được phen choáng váng trước những lời mẹ nói. Không ngờ mẹ lại như vậy, trước gặp gỡ mẹ có tỏ ý chê trách hay không hài lòng với tôi điểm nào đâu mà tại sao giờ mẹ lại làm thế chứ.
Với một người mẹ chồng như vậy ở chung tôi thấy khó sống quá, đêm hôm đó tôi bàn với chồng thuê nhà ra ở riêng nhưng chồng vẫn lấn cấn, không chịu. Tôi nên khuyên anh như thế nào để được ra riêng đây?