LTS: Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (sinh ngày 6/10/1942 – mất ngày 29/8/1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa... và là một trong những nhà thơ tình lãng mạn của nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của bà được đưa vào trong chương trình học phổ thông và được giáo viên cùng bao lớp học sinh yêu thích. Bà từng được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, nhiều giáo viên trên cả nước đã chia sẻ cảm xúc về thơ Xuân Quỳnh và những tác phẩm thơ mang giá trị cuộc sống, cảm hứng cho giới trẻ...
Báo Dân Việt xin chia sẻ những dòng cảm xúc của Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM và Kiến Guru về thơ Xuân Quỳnh.
Trong văn học Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh đã xuất hiện trên thi đàn với một hồn thơ rất đặc trưng: chân thật, hồn hậu, nồng nàn, đắm say, tha thiết với cuộc đời, và đặc biệt là đầy nữ tính.
Chất nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh được thể hiện thông qua cách nhà thơ cảm nhận thế giới vô cùng tinh tế. Xuân Quỳnh không viết về những điều cao xa, lớn lao mà bà đi sâu vào những chi tiết rất nhỏ bé, rất chân phương, thậm chí là những biến thiên rất tinh vi trong nội tâm sâu thẳm của nhân vật trữ tình. Thơ Xuân Quỳnh giàu nữ tính bởi đó là tâm sự của người phụ nữ ở vai trò người vợ, người mẹ, với tất cả tình yêu dành cho chồng, cho con. Bằng tình cảm đó, bà nói rất nhiều, rất sâu về những hạnh phúc giản đơn, bình dị, đời thường mà bất kì người phụ nữ nào cũng khát khao.
Đọc thơ tình của Xuân Quỳnh, ta có thể cảm nhận được một tình yêu say đắm đến mãnh liệt, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác yếu đuối chông chênh. Nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh có lúc chủ động, tự tin, kiêu hãnh nhưng cũng có khi bất an, lo sợ, trở trăn. Người phụ nữ trong thơ bà rất sáng suốt, điềm tĩnh, nghĩ suy thấu đáo ở nhiều trường hợp; nhưng cũng có khi rơi vào cảm giác mê đắm, cuồng si, mơ hồ. Và vì thế, họ có thể trải qua khoảnh khắc tột cùng hạnh phúc hoặc tận cùng đắng cay.
Trong chương trình Ngữ Văn ở trường phổ thông, Xuân Quỳnh được các em học sinh yêu mến thông qua hai thi phẩm: Chuyện cổ tích về loài người (chương trình Ngữ văn 6) và Sóng (chương trình Ngữ văn 12).
Giữa rất nhiều những tác phẩm của các nhà thơ nam giới: gai góc và lí tính, thơ Xuân Quỳnh mang đến thứ cảm xúc nhẹ nhàng và năng lượng bình an. Ở Chuyện cổ tích về loài người, ta có thể nhận ra trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ khi bà viết về hành trình khai sinh thế giới. Mà ở đó, tất cả mọi nhân vật, mọi sự vật trên cõi đời này đều xuất hiện với chung một nguyên do: mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ. Nếu không viết bằng tấm lòng của một người mẹ, làm sao Xuân Quỳnh có thể mang đến những dòng thơ dịu dàng, âu yếm như vậy?
Đến với Sóng, người đọc có thể tiếp cận nhà thơ ở một góc nhìn khác: hình ảnh người phụ nữ trong tình yêu. Trí tưởng tượng của nữ thi nhân luôn hoạt động với một tần suất tối đa để liên tưởng và kết nối những hình ảnh tưởng chừng như rời rạc.
Có thể nói rằng, hai tác phẩm được mang vào sách giáo khoa chính là đại diện cho nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh ở hai phương diện: tình yêu và gia đình - một người phụ nữ và một người mẹ. Ở phương diện nào, bà cũng giữ được sự nhạy cảm vốn có, cùng với óc liên tưởng phong phú, rộng mở.
Không phải ngẫu nhiên mà thơ Xuân Quỳnh vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó cho đến thời điểm hiện tại. Thơ bà không dành để đọc mua vui. Trái lại, nó là một dạng thơ cần được đọc đi đọc lại nhiều lần. Mỗi lần đọc lại thêm một vài phát hiện mới. Thậm chí, ở mỗi độ tuổi, chúng ta lại hiểu thơ Xuân Quỳnh theo một cách mới.
Nếu nói về giá trị truyền cảm hứng cho người trẻ thời điểm hiện tại, có thể thấy thơ Xuân Quỳnh chứa đựng những giá trị sau đây:
Thứ nhất, giá trị của lòng chung thuỷ trong tình yêu, đó là một trong những điều kiện cần của tình yêu trong sáng, bền vững;
Thứ hai, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời; nhưng đó không phải thứ niềm tin ngây thơ, vô căn cứ mà là niềm tin có chiều sâu trải nghiệm;
Thứ ba, nhận ra được sự hữu hạn của cuộc đời nên hết lòng trân trọng thời gian, sống một cách có ích hơn, sống sâu với cuộc đời hơn.
Những giá trị này làm nên sự bất hủ cho hồn thơ Xuân Quỳnh, bởi vì dù ở bất kì một thời điểm nào, người trẻ cũng cần hiểu và giữ được những yếu tố cốt lõi đó.
Thật vậy, thơ Xuân Quỳnh đề cao lòng chung thuỷ. Chúng ta có thể thấy qua hình tượng con sóng luôn vỗ vào bờ trong bài thơ Sóng: “Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Quan niệm này cũng được bà thể hiện trong một số bài thơ khác: “Xóm làng nào anh sẽ đi qua/ Những đồng lúa, vườn cây, bờ bãi…/ Dẫu em biết rằng anh trở lại/ Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh” (Trích Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại). Chỉ có lòng chung thuỷ mới khẳng định được giá trị của một tình yêu đích thực. Điều này, hẳn những người trẻ phải gìn giữ và tâm niệm.
Bên cạnh lòng chung thuỷ, thơ Xuân Quỳnh luôn đề cao niềm tin vào cuộc đời, vào những điều thiện lành, tốt đẹp sẽ đến. Trong Sóng, bà đã viết những dòng rất chân thành sau đây, như một lời minh chứng rằng hạnh phúc chắc chắn luôn tồn tại: “Ở ngoài kia đại dương/ Trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở”.
Đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta còn bắt gặp một triết lí về thời gian và lẽ sống. Cũng như bao nhiêu người sống gắn bó với cõi đời này, Xuân Quỳnh ý thức được sự hữu hạn của cuộc đời: “Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua”. Thời gian của tự nhiên thì vô cùng vô tận nhưng thời gian của đời người thì hạn hẹp, nhỏ bé. Chẳng ai có thể mãi mãi sống trường thọ, để tận hưởng tình yêu và tuổi trẻ một cách không giới hạn. Vậy thì nếu như không sống lâu thì hãy sống sâu, mỗi phút giây trôi qua không nên để cho nó hoá thành vô nghĩa.
Bằng sự ý thức đó, nhà thơ đã mạnh dạn sống một cách tận hiến để làm nâng tầm giá trị cho cuộc đời: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”. Sống là hoá thân, là hoà cái tôi riêng tư nhỏ nhoi vào cái Ta chung rộng lớn, sống là biến mình thành một phần tích cực của thế giới này, giống như những bọt biển nhỏ góp thành triệu triệu lớp sóng, hoà vào nhịp triều dâng sóng vỗ. Nhờ cách sống đó, mà cuộc đời riêng sẽ hoà với cõi đời chung mà mãi mãi trường tồn.
Như thế, thông điệp mà Xuân Quỳnh luôn muốn gửi đến cho độc giả của mình chính là: khi hiểu rằng thời gian đời người là hữu hạn thì hãy luôn trân trọng những phút giây hạnh phúc trong hiện tại: “Xin đừng nhắc chuyện xưa sau/ Hãy vui với sóng với tàu với em” (Tình ca trong lòng vịnh), “Nhưng lúc này anh ở bên em/ Niềm vui sướng trong ta là có thật” (Nói cùng anh).
Có thể nói Xuân Quỳnh là một nhà thơ truyền cảm hứng. Cảm hứng đó không chỉ đến từ chất thơ của bà mà còn đến từ cách sống của nữ thi nhân. Vì nói như Nam Cao: “Sống đã rồi hãy viết”, những dòng cảm xúc không thể trào dâng lên ngòi bút nếu như trong lòng chưa đủ xao động, chưa đủ sâu sắc. Xuân Quỳnh đã sống - yêu - tin và viết bằng cả đời mình, cả lòng mình, những giá trị đó, bạn trẻ nên đón nhận.