Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP (Hepza) cho rằng, các Luật đất đai đã có (2003, 2013) cũng như dự thảo mới nhất đều yêu cầu thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong khi thực tế nhiều công trình mất cả 10 năm từ khi quy hoạch đến thực hiện khiến giá trị bồi thường tăng lên nhiều lần. Vì thế, nên cho thu hồi đất ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án bồi thường để hạn chế tình trạng "quy hoạch treo".
Cùng quan điểm, ông Hoàng Ngọc Tuân, Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (Maur) cho rằng, thu hồi đất sau khi đã phê duyệt dự án sẽ tạo điều kiện cho đầu cơ gom đất. Ông Tuân lấy ví dụ về tuyến metro Bến Thành – Suổi Tiên, từ khi dự án khởi công đến nay, giá đất dọc tuyến metro đã tăng vọt, có nơi tăng 15 lần. Chính bất cập trong thời điểm và phạm vi thu hồi đất đã tạo điều kiện cho nhà đầu cơ nắm quy hoạch và mua đất xung quanh dự án.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cần xem xét và làm rõ hơn về vấn đề giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành hàng năm trên cơ sở giá thị trường. Bởi ở thành phố, giá thị trường là đất ở trong khi giá bồi thường cho các dự án chủ yếu là đất nông nghiệp. Việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều không dễ dàng và nhiều đơn vị tư vấn cũng ngại làm vì tính rủi ro cao nên phải có quy định cụ thể hơn.
Cho phép cưỡng chế thu hồi đất với dự án khi 90% người có đất đã đồng ý
Dự thảo Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (trong đó có phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại và dự án khác) khi trên 80% người có đất đồng ý. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng 20% chưa đồng ý mà áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi là không đúng tinh thần Hiến pháp. Sau đó, dự thảo mới nhất đã bỏ quy định này.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn, quy định này rất bất cập. Tại địa phương có dự án đã đạt được thoả thuận 90%, chỉ còn một phần diện tích chưa hoàn thành bồi thường, người sử dụng đất không chịu chuyển nhượng với bất kỳ giá nào khiến toàn bộ dự án ngưng trệ. Quận đang không biết giải quyết như thế nào với tình trạng này. Quốc hội cần có quy định chính thức để tháo gỡ cho các dự án đang vướng mắc như trường hợp của huyện, cần có cơ chế cho thu hồi đất hoặc cho phép UBND huyện được khởi kiện ra toà, toà án và thẩm định giá đất sẽ phán quyết giá.
Ông Lê Minh Hiếu, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân, nêu thực tế dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (110 ha) quy hoạch cách đây 22 năm, đến nay mới thoả thuận được trên 85% hộ dân. Số còn lại do vướng mắc về giá khi làm việc với chủ đầu tư, dân không đồng thuận.
Do đó, đại diện quận Bình Tân đề nghị với dự án không dùng ngân sách thì cho phép nếu trên 90% hộ dân đã đồng thuận phương án bồi thường, Nhà nước được cưỡng chế thu hồi đất phần còn lại để hoàn thành.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa giải quyết được tại dự thảo này đó là thu hồi đất, đầu cơ đất, định giá đất... TS Trần Du Lịch đề nghị nên tính toán lại phương pháp tiếp cận xây dựng luật, nhất là liên quan tới đất công, đất nhà nước đã chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác…