Dân Việt

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Xã hội hóa để cả người giàu, người nghèo đều được đi chung "máy bay bệnh viện"

Bạch Dương 07/10/2022 10:03 GMT+7
Sáng 7/10, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức buổi khảo sát về thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế với Sở Y tế TP.HCM cùng 25 bệnh viện trên địa bàn thành phố.


Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Xã hội hoá để cả người giàu, người nghèo đều được đi chung "máy bay bệnh viện" - Ảnh 1.

Buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với ngành y tế TP sáng 7/10. Ảnh: B.D

Nhu cầu xã hội hoá khám chữa bệnh là cấp bách

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội nhận được nhiều ý kiến liên quan đến hoạt động của ngành y tế, xoay quanh 3 vấn đề gồm chính sách, biên chế, nghỉ việc cũng như liên quan đến thiếu thuốc, vật tư y tế.

Trên cơ sở đó, đoàn Đại biểu Quốc hội đã khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và và chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện công lập nhằm nắm lại tình hình cơ chế tự chủ, những vướng mắc khó khăn liên quan đến Luật đấu thầu…

Tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, một trong những điểm nóng là biến động nguồn nhân viên y tế công lập, Luật khám chữa bệnh đã bao phủ hết vấn đề tự chủ bệnh viện hay chưa? Mặc dù có nhiều nghị định, quy định nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong thực hiện tự chủ bệnh viện.

Đặc biệt, ông Thượng nhấn mạnh đến chuyện xã hội hóa khám chữa bệnh. "Xã hội hóa thế nào vì nếu không xã hội hóa thì rất khó phát triển. Nếu ví xã hội hóa như trên một chiếc máy bay, thì phải cả người giàu và người nghèo đều được ngồi chứ không phải người nghèo phải đi máy bay cũ, không an toàn", ông Thượng nói.

Giải thích cụ thể hơn về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cho biết, khi ngân sách y tế công lập chưa đáp ứng đủ vì việc xã hội hóa khám chữa bệnh là rất quan trọng nhằm khuyến khích tư nhân xây dựng nhiều bệnh viện tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước.

Để xã hội hóa bền vững, công bằng, công khai với người bệnh thì cần có khung giá thu tính đúng tính đủ, không phân biệt người bệnh của công lập và xã hội hóa, chỉ có khác biệt về giá các dịch vụ phi y tế như phòng bệnh, căn tin, giữ xe, giặt giũ… tùy theo điều kiện kinh tế của người bệnh và đơn vị quản lý, vận hành các dịch vụ này.

"Giống như ví dụ cơ sở khám chữa bệnh là chiếc máy bay, giá vé cơ bản để lên máy bay phải là như nhau, dịch vụ cơ bản được hưởng như nhau. Nhưng trên máy bay vẫn có ghế hạng thương gia để phục vụ những dịch vụ, tiện ích cao cấp hơn tùy theo khả năng từng người", ông Dũng lý giải.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Xã hội hoá để cả người giàu, người nghèo đều được đi chung "máy bay bệnh viện" - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói về xã hội hóa bệnh viện. Ảnh: B.D

Thiếu hụt nghiêm trọng nguồn điều dưỡng, trợ lý điều dưỡng

Bên cạnh đó, việc thiếu các chức danh nghề nghiệp cũng đang là khó khăn lớn, điển hình là chức danh trợ lý điều dưỡng.

Theo ông Dũng, trên thế giới, chức danh trợ lý điều dưỡng đã có từ lâu. Đây là loại hình được cấp giấy chứng nhận (đào tạo ngắn hạn từ 3 tháng) chứ không phải chứng chỉ hành nghề, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người bệnh trong vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng, ăn uống, di chuyển qua các khoa phòng…

Tùy từng loại hình đào tạo, trợ lý điều dưỡng có thể thực hiện việc lấy các dấu hiệu sinh tồn, tiếp nhận ban đầu người bệnh, đánh giá các chỉ số chiều cao, cân nặng, thực hiện các chức năng nhiệm vụ dưới sự giám sát của điều dưỡng, có thể hỗ trợ điều dưỡng, bác sĩ trong một số nhiệm vụ cụ thể.

Thực tế ở Việt Nam, một điều dưỡng phải làm tất cả công việc trên. Nhu cầu trợ lý điều dưỡng ở các bệnh viện rất cao trong khi nhân sự điều dưỡng đang thiếu hụt, số lượng đơn nộp vào các ngành đào tạo sụt giảm 3-4 lần. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ ở các bệnh viện công lập cũng giảm dần, theo quy định cần 3-4 điều dưỡng/một bác sĩ, nhưng hiện nay các bệnh viện TP.HCM chỉ có thể đáp ứng 1,85 điều dưỡng/bác sĩ.

"Một khoa có 70-80 bệnh nhân chỉ có nhiều nhất 3 điều dưỡng, nếu chỉ cần có một ca cấp cứu, các điều dưỡng phải huy động cho ca cấp cứu này thì việc chăm sóc những bệnh nhân khác sẽ bị hạn chế", ông Dũng giải thích và đề xuất Luật khám chữa bệnh bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng hoặc phân hạng điều dưỡng thêm hạng 5 chứ không phải chỉ có hạng 4 như hiện nay.