Chúng tôi gặp ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò tại một căn hộ ở chung cư cao tầng trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Bước sang tuổi 96 với 75 năm tuổi Đảng, tuy sức khỏe đã phần nào suy giảm nhưng người chiến sĩ già vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ mà đầy hào hùng.
Ông Hà từng là một cựu tù chính trị đặc biệt ở nhà tù Hỏa Lò. Bị bắt giữ và giam cầm gần 3 năm tại chốn "địa ngục trần gian", chiến sĩ cách mạng Nguyễn Tiến Hà hiểu rõ hơn ai hết những nỗi khổ của người tù chính trị.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hà kể, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Từ rất trẻ ông Hà đã giác ngộ cách mạng, cùng anh trai của mình, một trong số 8 người trẻ nhất lúc bấy giờ được Bác Hồ đặt tên Tạ Quang Chiến (Nguyễn Hữu Văn), chàng thanh niên Nguyễn Tiến Hà hừng hực khí thế bước vào cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc.
Từng thi đỗ tú tài từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Tiến Hà đã hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc công khai là làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân.
Năm 1948, ông Hà được điều động về vùng địch tạm chiếm trong nội thành Hà Nội, hoạt động đội quân ngầm, thọc sâu vào lòng địch, kìm chân địch, đánh từ trong đánh ra. Vì bị bắt nên ông lấy danh nghĩa là giáo sư dạy học cho các gia đình khá giả để hoạt động bí mật. Nhờ việc dạy học, Nguyễn Tiến Hà đã bồi dưỡng cho học sinh tinh thần yêu nước, vận động thế hệ trẻ tham gia cách mạng. Từ đây, bí danh Nguyễn Tiến Hà ra đời với lời thề "Tiến về Hà Nội" để giải phóng Thủ đô.
Đến năm 1950 khi có lệnh từ Thành ủy, ông và đồng đội phải cứu đồng chí phái viên công an hoạt động nội thành bị bắt ở nhà thương Phủ Doãn nay là Việt Đức. Ít ngày sau, Nguyễn Tiến Hà bị bắt, bắt đầu cuộc hành trình dài 3 năm bị giam giữ tại Nhà tù thực dân.
"Trước khi bị đưa đến Nhà tù Hỏa Lò, tôi đã trải qua một cuộc vượt ngục bất thành tại Sở Mật thám. Khi bị bắt, tôi vẫn liên hệ được với bên ngoài qua đường người thân vào tiếp tế trong tù. Nhờ họ gửi cái đinh thuyền, dùng nó làm dụng cụ đào tường. Chúng tôi phải chọn địa điểm đào là toilet, lấy lý do dội nước để tường ẩm. Phải đào mạch tường, rút một mạch ra, mỗi ngày chỉ có thể moi một tí", ông Hà kể lại.
Ông kể trước hết phải đào được tường để chui ra. Ra được bên ngoài thì phải vượt được 2 bức tường với khoảng 50m tường để thoát ra ngõ Liên Trì, khi ấy mới qua được tường ngục. Ông và đồng đội bắt tay vào thực hiện ngay, moi đào liên tục nhiều đêm thì xong. Đến nửa đêm, ông dậy trước, hoàn tất giai đoạn cuối cùng khoét thủng tường, tạo một lỗ hổng vừa một người chui lọt.
"Tôi chui đầu ra đầu tiên, kéo theo một tấm chăn mỏng. Như có lò xo, tôi bật lên chiếc thùng phuy kê sát tường đã nhằm trước, chớp nhoáng tung chăn phủ lên hàng rào dây thép gai có điện, liệng người qua đường sang phía Sở Mật thám liên bang lao về phía trước. Sau đó tôi vọt qua bức tường thứ hai, nhảy xuống ngõ Liên Trì như kế hoạch đã định", ông Hà nói.
Sau một tuần trốn thoát, Nguyễn Tiến Hà bị phát hiện và bị bắt trở lại Sở Mật thám. Tại đây, một lần nữa ông phải nếm trải những hình thức tra tấn vô cùng tàn độc.
"Sau khi bị phát hiện, chúng bắt tôi về và tra tấn để bắt khai tổ chức cuộc vượt ngục như thế nào, ai chỉ huy. Tôi đã trải qua đủ loại tra tấn dã man, chích điện qua hai tai, hai chân và bộ phận vùng kín, cho đi tàu bay, buộc hai chân thả xuống bể nước đến ngất lịm, phơi nắng… không thiếu một hình thức tra tấn nào.
Chúng còn dụ dỗ mình khai ra bằng những lời ngon ngọt, cho hút thuốc, uống sữa nhưng tôi kiên định thì tiếp tục bị tra tấn. Bấy giờ, chúng tưởng tôi đã chết nên chuyển sang Nhà tù Hỏa Lò để phi tang. Bởi nếu có người tù chết tại Sở Mật thám, những anh em khác sẽ đứng lên phản đối", ông Hà chia sẻ.
Khi được chuyển đến đây, Nguyễn Tiến Hà đã được chính những người đồng đội của mình chăm sóc, cứu sống. Từ đó, ông tiếp tục nung nấu ý chí, khát vọng mang về độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau đó, ông được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, rồi ông còn được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. Ông đã cùng ban lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân.
Đặc biệt, ông tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó. Chính vì vậy, anh em tù nhân đã gọi ông với cái tên thân mật là "thầy giáo Thỏa" hay "thầy Hiệu trưởng Thỏa".
Lúc bấy giờ, việc học văn hóa trong nhà tù Hỏa Lò đã thành phong trào. Thời điểm đó, bọn chúa ngục kiểm tra gay gắt các lớp học, nhưng trong các tờ giấy ghi chép bài của học sinh chỉ có công thức toán, lý, hóa, các hình vẽ, các bài giảng ngoại ngữ. Còn các bài giảng chính trị, quân sự hoàn toàn nhập tâm, bọn chúa ngục đành bó tay.
Ông nhớ về những bữa ăn cũng chỉ gọi là có cái để cho vào miệng bởi thứ thức ăn nơi địa ngục ấy phải gọi bằng sự kinh hãi. Ở đây, thức ăn dành cho tù nhân thiếu cả về lượng lẫn chất, người tù không được sử dụng bát, đũa, cho bữa ăn mà thay vào đó là những máng gỗ, thùng tôn để làm nhụt ý chí cách mạng của những người bị giam cầm.
"Việc ăn uống được quản lý nhà tù giao cho nhà thầu ở ngoài vào để nấu cơm cho tù nhân. Chúng mang gạo, rau cỏ nhưng lại để tù nhân phải làm bếp, chúng ăn bớt của tù nhân, không cho chúng tôi ăn hết. Người tù phải ăn thịt ôi thiu rẻ tiền, cá mè nhỏ kho rất tanh không thể nào ăn được, nếu có ăn cũng dễ bị tiêu chảy, thịt nấu cả bì không thể ăn được…", ông nhớ lại.
Cuối năm 1952, ông được trả tự do sau gần 3 năm sống trong nhà tù thực dân. Ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng giáo sư Trần Hữu Thỏa.
Ông Nguyễn Tiến Hà kể thời khắc ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Clip: Gia Khiêm
Trong ký ức ông Nguyễn Tiến Hà, những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 vẫn vẹn nguyên. "Ngày tiếp quản Hà Nội, đoàn quân từ các ngả tiến về cờ đỏ sao vàng được trưng lên công khai, tự do. Từ sáng sớm, nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô.
Hôm đó còn vui hơn cả ngày hội. Chúng ta mừng vì Thủ đô được giải phóng, không bị kìm kẹp bởi mật thám, nguỵ binh… người dân được tự do. Đó là ngày hội toàn dân hát vang bài hát ca tụng kháng chiến, chính quyền", ông Hà hồi ức lại.
Người dân Hà Nội treo cờ, khẩu hiệu trước cửa nhà. Hàng vạn người đổ xuống đường, hồi hộp chờ đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản gồm: Cơ giới, pháo binh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9h30 từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc. Đoàn xe qua các phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào... và hội quân trước cổng Đoan Môn.
Vào 15h, còi Nhà hát Lớn Hà Nội rúc lên một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Ngay sau khi trở về Thủ đô, tiếp quản thành phố, công việc tiếp thu các cơ quan, công sở, do chính quyền Pháp bàn giao cũng nhanh chóng được triển khai để sớm điều hành bộ máy hoạt động cho bình ổn.
"Thời điểm đó cũng là ngày nhiều người vui sướng, hồ hởi gặp lại người thân sau bao năm kháng chiến, không tin tức. Mọi người đứng hai bên đường vẫy chào nhau. Cảm giác đó khó tả lắm", ông Hà nói thêm. Sau này, hòa bình lập lại, ông Hà được phân công về giảng dạy tại Đại học Sư phạm và gắn bó với sự nghiệp trồng người cho đến tuổi nghỉ hưu.