Ngày 9/10/2022, tại khách sạn Melia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp". Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện.
Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều vấn đề được đem ra tham luận, trong đó việc định danh điện tử cho công dân là một trong chủ đề được quan tâm hàng đầu.
Phát biểu tại sự kiện, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (C06) Bộ Công an nhận định, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu gốc của toàn bộ công dân Việt Nam. Hệ thống này đã được đưa vào vận hành từ 1/7/2021, là cơ sở dữ liệu 'gốc' của toàn bộ công dân Việt Nam.
Theo ông Tấn, đây là cơ sở dữ liệu dùng chung của Chính phủ, qua làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giúp giảm bớt các giấy tờ, khai báo thông tin, đơn giản hóa các hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Đại tá Tấn cho biết, đến nay Bộ Công an đã cấp hơn 71,7 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam. Qua đó, mở ra cơ hội cho việc phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với nền tảng của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, Bộ Công an đã triển khai xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử, chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022.
"Việt Nam đã trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới. Điều này tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ trên không gian mạng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia", ông Tấn nhấn mạnh.
Trong đó, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử là "nền tảng cốt lõi thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia", vị này khẳng định. Đồng thời, việc triển khai 3 hệ thống này còn "dư địa rất lớn".
Ngoài ra, Bộ Công an còn cùng với các bộ, ngành phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình Đề án 06 của Chính phủ.
Sau thời gian triển khai, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã kết nối với 12 đơn vị bộ ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương; tích hợp định tài khoản định danh và xác thực điện tử trên cổng dịch vụ công và triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu đã được triển khai mức 3, 4 với tổng số hồ sơ thực hiện qua cổng dịch vụ công là 4,5 triệu hồ sơ, 137,8 triệu trạng thái.
Điều đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước giảm bớt các thủ tục xác minh trong quá trình cấp giấy tờ, còn người dân có thể tiết kiệm thời gian khi làm các thủ thục hành chính khi các cơ quan đã có dữ liệu dân cư chung.
Đặc biệt, người đại diện Bộ Công an cũng cho biết, việc sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ bảo hiểm y tế đạt 87% tổng số cơ sở y tế trên toàn quốc. Đã có 2,5 triệu lượt công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế và tích hợp dữ liệu dùng chung cho hơn 27 triệu công dân tham gia đóng bảo hiểm y tế.
Hơn nữa, hiện Bộ Công an còn triển khai các giải pháp sử dụng thẻ CCCD gắn chip để xác thực thông tin để thực hiện các giao dịch đến liên quan đến Ngân hàng gồm: rút/nạp tiền tại ATM, giao dịch điện tử trên ứng dụng của ngân hàng, giao dịch điện tử tại quầy. Việc này giúp người dân thực hiện nhanh chóng, an toàn, bảo mật giảm thiểu rủi ro trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh xác thực điện tử đã mang lại những lợi ích kinh tế to lớn. Theo đó, tính đến nay đã tiết kiệm đến 50 tỷ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi trực tuyến, tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ ATM trên cả nước, Bảo hiểm xã hội không phải phát hành thẻ bảo hiểm y tế tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Định danh điện tử công dân là một trong những nhiệm vụ then chốt đang được Bộ công an triển khai đồng bộ và tiếp tục triển khai trong thời gian tới nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhà nước cũng như người dân.