Lưu Hạ (92 trước Công nguyên - 59 trước Công nguyên), là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Hán. Ông cũng là người lập kỷ lục tại vị trên ngai vàng ngắn nhất - chỉ 27 ngày đã bị phế truất vào năm 74 trước Công nguyên.
Sau khi bị truất ngôi, Lưu Hạ được Tuyên Đế giáng phong làm Hải Hôn hầu. Ông sống phần đời còn lại trong một ngôi nhà ở bên hồ. Năm 59 trước Công nguyên, Hải Hôn hầu qua đời, hưởng dương 33 tuổi.
Năm 2011, các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện thấy lăng mộ của Lưu Hạ ở gần Nam Xương, vốn là thủ phủ tỉnh Giang Tây. Đây được xem là lăng mộ của vị Hoàng đế được bảo tồn lâu nhất trong triều đại Tây Hán (206 trước Công nguyên - 9 sau Công nguyên).
Đến năm 2016, hài cốt của vị Hoàng đế này được tìm thấy. Bên trong lăng mộ, người ta tìm thấy hàng nghìn món cổ vật làm bằng ngọc bích, vàng, đồng và sách thẻ tre.
Theo phát hiện mới nhất được các nhà khảo cổ học Trung Quốc thông báo, họ vừa tìm thấy bức tranh cổ nhất về Khổng Tử bên trong lăng mộ này. Ngoài ra còn có khoảng 5.000 chiếc thẻ tre có lưu lại lời dạy của Khổng Tử.
Những món đồ tạo tác bằng vàng, ngọc quý giá trong lăng mộ cho thấy rõ ràng Hoàng đế Lưu Hạ không bị đối xử như một thường dân khi chết. Dù bị phế truất, nhưng ông vẫn được coi là một quý tộc, hưởng những đặc quyền riêng nhờ thân phận là hậu duệ của Hán cao tổ Lưu Bang, người là một trong những Hoàng đế có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Yang Jun, một nhà nghiên cứu tại Viện khảo cổ và di tích văn hóa tỉnh Giang Tây, cho biết, lăng mộ Lưu Hạ giúp "làm rõ sức mạnh của nhà Hán". 5 cỗ xe ngựa được bảo quản tốt trong lăng mộ cho thấy chủ sở hữu của nó là người có địa vị trong triều đại này.
Kể từ năm 2015, lăng mộ Lưu Hạ trở thành một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất để tìm hiểu về văn hóa quý tộc thời nhà Hán.
Đến nay, hiện nhóm khảo cổ đã khai quật được 4 triệu đồng tiền, 480 miếng vàng - số lượng lớn nhất từng tìm thấy trong một ngôi mộ thời Hán cùng hàng nghìn món tạo tác. Hiện một số khu vực khảo cổ ở Trung Quốc đang trở thành điểm du lịch hút khách.