Nếu xếp chồng lên nhau, số điện thoại không còn sử dụng này sẽ cao khoảng 50.000 km, cao hơn 100 lần so với trạm vũ trụ quốc tế. Mặc dù có chứa vàng, đồng, bạc và các thành phần có thể tái chế có giá trị khác, hầu hết tất cả các thiết bị này vẫn được tích trữ mà không được mang đi tái chế, gây hại đáng kể cho sức khỏe và môi trường.
Theo một cuộc khảo sát tại sáu quốc gia châu Âu từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022, nhiều người đã chọn giữ lại những chiếc điện thoại cũ trong ngăn kéo, tủ quần áo, hoặc nhà kho thay vì mang chúng đến cửa hàng sử chữa hoặc tái chế.
Báo cáo cho thấy, trung bình có tới 5 kg thiết bị điện tử cho mỗi người hiện đang được tích trữ trong các gia đình châu Âu. 46% số người được khảo sát cho biết, họ giữ lại đồ vật cũ với hy vọng có thể nó vẫn còn hữu ích cho một việc nào đó trong tương lai.
Có 15% giữ lại với ý định sẽ bán hoặc tặng chúng, trong khi có 13% giữ lại do nó có giá trị tình cảm. Tuy nhiên, theo số liệu giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020, rác thải điện thoại di động chỉ là phần nổi của tảng băng 44,48 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra hàng năm không được tái chế trên thế giới.
Nhằm hạn chế rác thải điện tử, tháng này EU đã thông qua luật mới yêu cầu USB-C trở thành tiêu chuẩn sạc duy nhất cho tất cả điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy ảnh mới từ cuối năm 2024. Động thái này dự kiến sẽ giúp tiết kiệm hàng năm ít nhất 195 triệu USD và cắt giảm hơn 1.000 tấn rác thải điện tử của EU mỗi năm.
Theo Kees Balde, Chuyên gia Khoa học Cấp cao tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên hợp quốc (UNITAR), luật pháp ở châu Âu đã thúc đẩy tỷ lệ thu gom rác thải điện tử trong khu vực cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Ở cấp độ châu Âu, 50-55% chất thải điện tử được thu gom hoặc tái chế. Trong khi ở các quốc gia có thu nhập thấp, tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 5% và đôi khi thậm chí dưới 1%./.