Tại hội thảo nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng diễn ra ngày 13/10, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, trong xã hội trước đây, năng lực “biết đọc – biết viết” là hiểu biết cơ bản mà con người cần có.
Ngày nay, trong kỷ nguyên số, khi các hoạt động dần được chuyển đổi trực tuyến, dịch vụ số và các nguồn tin tức trên mạng ngày càng phong phú và chiếm ưu thế, việc tiếp cận các nguồn này trở nên quan trọng đối với sự phát triển của một công dân.
“Biết đọc, biết viết” không còn là kỹ năng tối thiểu mà con người cần được trang bị. mà đòi hỏi con người cần được trang bị thêm 01 năng lực cơ bản nữa đó là “biết số” – “digital literacy” để sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Theo các chuyên gia, biết sử dụng thiết bị số và ứng dụng phần mềm kết nối thông qua giáo dục đào tạo cơ bản là yếu tố quan trọng giúp hướng tới “sẵn sàng số” cho người dân. Nhưng quan trọng hơn là cần trang bị cho người dân kỹ năng và bí quyết để có thể sử dụng tốt những thứ này. Người dân cần có kỹ năng, sự tự tin và động lực để sử dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, điều quan trọng không kém là làm cho người dân nhận thức được sự cần thiết giữ an toàn khi trực tuyến và đề phòng lừa đảo và tấn công trên mạng.
Theo bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, khi truyền thông số ngày càng trở thành nguồn thông tin chính, đặc biệt với giới trẻ, thì nguy cơ trở thành nạn nhân của tin giả hay bị định hướng tư duy bởi truyền thông, quảng cáo ngày càng lớn. Những thông điệp của truyền thông thường xuất hiện với tư cách một bằng chứng của sự thật. Nhưng trên thực tế, người ta đã sử dụng âm thanh, hình ảnh và ngôn từ với “ngữ pháp” riêng để diễn đạt những khái niệm, tư tưởng mang nhiều lớp ý nghĩa.
“Bởi vậy người dân cần được trang bị kỹ năng khác nữa đó là năng lực tiếp nhận, đánh giá, phân tích thông tin và tạo ra các sản phẩm truyền thông. Do đó, công dân, đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ em cần không chỉ am hiểu công nghệ mà còn cần am hiểu thông tin để bước vào thời đại kỹ thuật số”, bà Lesley Miller bày tỏ.
“Khảo sát tính đến đầu năm 2022 cho thấy, gần 27% dân số Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong vấn đề kết nối số. Nhiều trẻ em, nhất là trẻ em gái chưa có kỹ năng thông tin số cơ bản. Gần 90% giáo viên vùng sâu, vùng xa cho biết chưa bao giờ sử dụng thiết bị hiện đại trong quá trình giảng dạy… Đây ra những rào cản không nhỏ trong việc phổ cập kỹ năng số”, bà Lesley Miller chỉ rõ.
Nhiều tổ chức quốc tế như UNESCO, UNICEF, ITU đã đưa ra các định nghĩa, khuyến nghị cũng như khung tham chiếu để các quốc gia tham khảo và xây dựng Chiến lược Quốc gia về trang bị “biết số” cho cộng đồng. Một số doanh nghiệp công nghệ, tiên phong như Microsoft đã xây dựng và cung cấp miễn phí nguồn học liệu, và lộ trình đào tạo về “biết số” bằng 12 ngôn ngữ trong đó có Tiếng Việt.
Để phổ cập “biết số” đến mọi người dân trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, cần sự tham gia, xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của các bên liên quan bao gồm cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.
Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tháng 1/2022. Theo Bộ TT&TT, việc triển khai Đề án còn tương đối chậm so với yêu cầu đặt ra. Còn nhiều bộ, ngành và địa phương chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án. Một số hoạt động triển khai Đề án mới dùng ở việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nói chung, nội dung về phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số chưa được các bộ, ngành và địa phương chú trọng triển khai.