Trong báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.
Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển để loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Được biết, năm 2022, toàn hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT có 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng. Mặc dù quy trình đăng ký rất chặt chẽ (buộc thí sinh phải cân nhắc kỹ và xác nhận), thời gian đăng ký kéo dài hơn một tháng, vẫn có một tỷ lệ nhất định thí sinh mắc sai sót, nhầm lẫn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng bày tỏ sự đồng tình với hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về vấn đề rà soát, loại bỏ những phương thức xét tuyển không phù hợp, không hiệu quả.
Theo TS Hà, một số trường đại học đưa ra khá nhiều phương thức xét tuyển tương đối phức tạp, số thí sinh trúng tuyển thực tế rất ít hoặc gần như không có.
"Tôi cho rằng nên xem xét lại các phương thức không hiệu quả như trên. Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn hợp lý vì như vậy sẽ giảm bớt các phương thức phức tạp, giúp thí sinh có định hướng tốt hơn khi ôn thi, chuẩn bị xét tuyển vào đại học", TS Hà nói.
Với riêng Học viện Ngân hàng, TS Hà cho biết nhà trường vẫn luôn duy trì ổn định việc xét tuyển theo 4 phương thức: dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, dựa trên kết quả học bạ THPT, dựa trên chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ SAT,…) và dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia.
"Trong mùa tuyển sinh năm 2022, 4 phương thức này đều thể hiện sự hiệu quả. Chỉ tiêu thực tế trong từng phương thức gần đạt với chỉ tiêu ban đầu nhà trường đã công bố; với mức phổ điểm cao trong nhóm những trường hàng đầu khối kinh tế. Kết quả này cho thấy việc lựa chọn các phương thức xét tuyển rất quan trọng", TS Hà thông tin.
Theo TS Hà, các trường không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển nhỏ lẻ. Thay vào đó, các phương thức cần đảm bảo tính phổ quát để thí sinh có thể đồng thời xét tuyển tại nhiều trường khác nhau, tăng cơ hội trúng tuyển. Bên cạnh đó, đảm bảo tính ổn định qua thời gian để thí sinh chủ động ôn tập sớm.
Về dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm 2023, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng thông tin, nhà trường dự kiến vẫn giữ ổn định các phương thức như năm trước để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và cho cả nhà trường trong việc tuyển chọn những thí sinh giỏi, xuất sắc.
"Thông báo chính thức về các phương thức xét tuyển dự kiến sẽ được chúng tôi công bố trong tháng 2/2023, sau khi hội đồng tuyển sinh của nhà trường họp. Về đề án tuyển sinh chính thức, chúng tôi sẽ chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và công bố theo lịch chung của cả nước", TS Hà nói.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương nhận định, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là dựa trên bình diện cả hệ thống, nhìn nhận ở nhiều trường khác nhau và có lẽ đã có những khảo sát, số liệu tổng kết cụ thể, tức có căn cứ rõ ràng trước khi đưa ra hướng dẫn trên.
Theo PGS Hiền, việc rà soát, đánh giá là rất cần thiết, tuy nhiên từng bước đi, cách làm phải hết sức thận trọng.
"Với riêng Trường ĐH Ngoại thương, khi xây dựng các phương thức xét tuyển, chúng tôi đã tính đến một quá trình dài hạn chứ không phải phương thức đó chỉ áp dụng trong một năm cụ thể. Bởi tuyển sinh là việc cần có sự chuẩn bị dài hạn cho học sinh, tức là một bạn bước vào lớp 10 đã biết được rằng sau 3 năm mình có thể dùng cách nào để vào đại học.
Bởi vậy, những thay đổi bất ngờ có thể sẽ gây tổn hại cho thí sinh, kể cả thay đổi đó là bổ sung hay bỏ đi một phương thức xét tuyển", PGS Hiền phân tích.
Cũng theo Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, nhà trường đã có những đánh giá thường xuyên sau từng kỳ tuyển sinh về hiệu quả của từng phương thức. Năm 2022, trường tuyển sinh theo 6 phương thức. Dự kiến năm 2023, nhà trường vẫn giữ ổn định các phương thức này.
"Nếu có sự điều chỉnh trong phương thức xét tuyển, chúng tôi cũng sẽ cho thí sinh có một sự chuẩn bị, tức không thể bất ngờ điều chỉnh mà phải cho thí sinh đủ thời gian để có sự chuẩn bị hoặc chuyển hướng", PGS Hiền nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một trường đại học khác tại Hà Nội nhận định, vấn đề đa dạng hóa phương thức xét tuyển thực tế chỉ có 3 phương thức chính gồm xét tuyển dựa trên điểm thi, xét qua hồ sơ và xét tuyển kết hợp. Trong đó, chính phương thức xét tuyển kết hợp đã gây ra một số vấn đề có thể khiến thí sinh nhầm lẫn, gặp khó khăn.
"Vì sao có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau? Bởi một số trường chưa đủ tin cậy với 2 phương thức đầu tiên, nên họ chọn kết hợp cả hai để tìm thí sinh có năng lực tốt nhất theo học.
Một số trường lại không yên tâm về việc tuyển đủ chỉ tiêu qua 2 phương thức đầu, nên đề xuất nhiều phương thức để tránh bị rơi vào tình trạng là "trứng rơi hết vào một giỏ". Tất nhiên, việc này chỉ giúp tạo cảm giác yên tâm, vì những phương thức đó mang tính vụn vặt nhiều hơn, thực tế có rất ít thí sinh đáp ứng", ông cho hay.
Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã rất đúng khi yêu cầu các trường xem xét lại tất cả phương thức xét tuyển sau khi có kết quả tuyển sinh năm 2022, thống kê từng phương thức tuyển được bao nhiêu thí sinh, số này chiếm bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu và có đáng làm hay không.
"Việc đa dạng hóa quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây ra sự rối trí cho thí sinh, cũng không có lợi cho các trường trong tuyển sinh", ông nói.