Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết tại phiên giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố, chiều 14/10.
Phó Chủ tịch Hà Nội thừa nhận, Công viên Thiên văn học (Chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường) đã hoàn thành 2 năm nhưng chưa đưa vào sử dụng.
Nguyên nhân được ông Tuấn cho biết là do việc đầu tư xây dựng công viên này sai với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Khu đô thị mới Dương Nội (phường Dương Nội, quận Hà Đông).
Do đó, Sở Xây dựng đang tích cực phối hợp cùng UBND quận Hà Đông và các đơn vị để xử lý các vấn đề liên quan vi phạm trật tự xây dựng ở dự án này. Bản thân ông – người phụ trách lĩnh vực cũng đã tham gia ít nhất 2 cuộc họp về vấn đề này.
"Tại sao có một công viên hoàn thành xong lại không đưa vào khai thác. Vì công viên này đầu tư hoàn toàn sai quy hoạch chi tiết 1/500", ông Tuấn nói rõ.
Theo Phó Chủ tịch Hà Nội, rút kinh nghiệm từ trường hợp xử lý công viên nước Thanh Hà (Tập đoàn Mường Thanh) ở Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 bị tháo dỡ hoàn toàn sau khi sai phạm, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra về thực tế, đối chiếu với quy hoạch 1/500 xem phù hợp không, nếu một số hạng mục không phù hợp với quy hoạch nhưng phù hợp với thực tế thì vẫn đưa vào sử dụng.
"Cả hạ tầng kỹ thuật lớn như vậy nhưng vi phạm trật tự quy hoạch, trật tự đất đai nên phải xử lý rất là công phu. Hy vọng quá trình xử lý sẽ nhanh, chúng tôi sẽ sớm củng cố vấn đề pháp lý và đưa công viên này vào vận hành", ông Tuấn giải trình thêm.
Tại phiên giải trình, liên quan đến các công viên trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, TP.Hà Nội đã lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn làm Trưởng ban, quyết tâm: "Trong năm 2023 làm sống lại các công viên của Hà Nội và người dân được hưởng lợi công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các phúc lợi đó".
"Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, chúng tôi sẽ mở ra một số mô hình, phương thức mới về đầu tư công viên, cây xanh. Có thể đầu tư tư nhân nhưng nhân dân hưởng lợi tự do chứ không phải bán vé hay lập hàng rào cản trở làm người dân không được hưởng lợi", ông Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Nội thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của UBND TP, các sở ngành tham mưu trong việc buông lỏng giám sát quá trình đầu tư, sau đầu tư. "Có buông lỏng mới thế. Việc này chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước các đồng chí lãnh đạo của thành phố", ông Thanh nói, đồng thời cho biết, sẽ có kế hoạch cụ thể để thực hiện, HĐND tiếp tục giám sát.
Theo báo cáo giám sát của HĐND TP.Hà Nội, hiện nay một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... trên địa bàn Hà Nội chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Kết quả giám sát cũng nêu một số công viên ở Hà Nội hiện bỏ hoang, xuống cấp, cá biệt có công viên không cho người dân vào như Công viên Thiên văn học ở Hà Đông.
Theo chủ đầu tư dự án trên, công trình Công viên đã thi công hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể mở cửa để cộng đồng dân cư được sử dụng. Cộng đồng dân cư khu vực này cũng có ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng cho phép công viên tồn tại theo hiện trạng và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, đưa công viên vào vận hành phục vụ nhân dân. Phía chủ đầu tư rất mong UBND TP Hà Nội và các Sở, Ban, ngành xem xét những giá trị lợi ích mà công trình mang lại cho xã hội để sớm hợp thức cho công trình đi vào sử dụng.
Công viên Thiên văn học trên địa bàn phường Dương Nội (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) có tổng diện tích lên tới 12 ha.
Đây là công viên ngoài trời đầu tiên ở Đông Nam Á lấy chủ đề thiên văn học, thu hút dư luận bởi không gian xanh và kiến trúc đẹp mắt bao quanh hồ Bách hợp thủy.
Công viên Thiên văn học này được khởi công năm 2017, với tổng vốn đầu tư 260 tỷ. Đến nay, các hạng mục tại công viên cơ bản hoàn thành nhưng dự án chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng.