Vào tháng 8/2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được đề nghị xét GS, PGS năm 2022 do các Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị, gồm 447 người. Trong 26 hội đồng, ngành Kinh tế có nhiều số ứng viên nhất với 59 ứng viên, tiếp đến ngành Y học có 53 ứng viên, tiếp đến nữa là liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm có 50 ứng viên. Ngành Tâm lý học, Luyện Kim có số ứng viên ít nhất là mỗi ngành 1 ứng viên.
Nếu so sánh danh sách của Hội đồng GS liên ngành với danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022, đã có 86 ứng viên bị loại, trong số này có 16 ứng viên GS và 70 ứng viên PGS. Cụ thể, Hội đồng giáo sư ngành kinh tế có đông ứng viên nhất với 48 người (3 ứng viên GS và 45 ứng viên PGS), có 3 ứng viên bị loại so với Danh sách từ hội đồng giáo sư cơ sở. Hội đồng giáo sư liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm có 44 ứng viên (1 ứng viên GS và 43 ứng viên PGS), có 6 ứng viên bị loại so với danh sách từ hội đồng giáo sư cơ sở. Hội đồng giáo sư ngành y học có 43 ứng viên (7 ứng viên GS và 36 ứng viên PGS), 9 ứng viên bị loại so với danh sách từ hội đồng giáo sư cơ sở. Đặc biệt, sau vòng xét duyệt ở Hội đồng Giáo sư ngành thì Hội đồng giáo sư ngành tâm lý học không còn ứng viên nào đối với cả hai chức danh GS, PGS.
Như vậy, tổng số ứng viên được đề nghị tại các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm nay là 356, giảm 138 ứng viên so với năm 2021 (494 ứng viên). Từ danh sách ứng viên này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023 sẽ tổ chức các phiên họp để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022.
Thực tế cho thấy, từ khi quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhân đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh, thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS được áp dụng, số lượng ứng viên được công nhận GS, PGS hàng năm giảm mạnh so với trước đó.
Theo một số chuyên gia, ngoài các quy định về tiêu chuẩn GS, PGS được nâng lên so với trước thì quy trình công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cũng được thực hiện chặt chẽ, minh bạch hơn từ Hội đồng GS cơ sở, Hội đồng GS ngành, liên ngành cho đến Hội đồng GS Nhà nước. Trong đó, trách nhiệm của Hội đồng GS các cấp đều được quy định cụ thể. Với quy trình này, không ít hồ sơ ứng viên GS, PGS dù được Hội đồng GS cơ sở đề xuất nhưng đã bị loại ở Hội đồng GS liên ngành, Hội đồng GS Nhà nước.
Đơn cử như vào năm 2017, cả nước có hơn 1.100 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thì sang năm 2019, năm đầu tiên thực hiện xét GS, PGS theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg thì số lượng GS, PGS giảm mạnh. Cả nước có 73 nhà giáo đạt tiêu chuẩn GS và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS. Đáng chú ý, trong năm 2019, có 16 ứng viên GS, PGS bị "trượt" ở vòng Hội đồng GS Nhà nước mặc dù đã được các hội đồng ngành/liên ngành thông qua. Và từ đó đến nay, việc các ứng viên GS, PGS "trượt" ở các vòng Hội đồng GS liên ngành, Hội đồng GS Nhà nước đã trở thành chuyện bình thường.
Cũng theo quy định tại Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS sẽ tới quy trình xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS; phân loại theo ngành, chuyên ngành khoa học. Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Thành viên Hội đồng trao đổi, thảo luận công khai đối với từng hồ sơ của ứng viên. Mỗi hồ sơ phải được trên 1/2 tổng số thành viên Hội đồng nhất trí đưa vào danh sách bổ nhiệm. Kết quả xét phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.
Sau thời hạn 15 ngày công khai kết quả xét bổ nhiệm, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS đối với ứng viên có đủ điều kiện, phù hợp với cơ cấu vị trí cần bổ nhiệm. Trong quyết định bổ nhiệm phải nêu rõ ngành hoặc chuyên ngành khoa học của ứng viên và tên cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. Ứng viên chỉ được công nhận chức danh GS, PGS sau khi có quyết định bổ nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học.
Nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh GS, PGS là 5 năm. Kết thúc nhiệm kỳ, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức rà soát, đánh giá theo các quy định về cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm chức danh GS, PGS để quyết định việc bổ nhiệm lại. Việc đánh giá hàng năm đối với GS, PGS thực hiện như quy định hiện hành đối với giảng viên.