Xoay tua liên tục
Luôn tất bật chân tay, chị Nguyễn Thị Kiều Mỹ, điều dưỡng trưởng CK.I Khoa nhiễm Việt - Anh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) cho biết, công việc hằng ngày của chị là đi từng phòng thăm bệnh nhân, hỗ trợ các điều dưỡng viên để chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra chị còn giám sát kỹ thuật chuyên môn và nhắc nhở những cá nhân thực hiện kỹ thuật chưa đúng.
Là một điều dưỡng trưởng, thời gian nghỉ ngơi của chị Mỹ không nhiều. Không phải lúc nào chị cũng được nghỉ trưa trọn vẹn vì luôn có những ca cấp cứu khẩn. Hiện khoa thiếu một điều dưỡng làm ca nên lượng công việc dồn cho những điều dưỡng còn lại nhiều hơn. Các chị phải luân phiên gồng gánh với nhau. Mệt nhất là những người phải trực ca đêm vì không có nhiều người hỗ trợ, nếu công việc quá tải, điều dưỡng ca đêm phải làm hết.
"Trước đây chúng tôi vừa chăm sóc bệnh nhân vừa tranh thủ thời gian hoàn thành công việc hồ sơ bệnh án. Nhưng đối với tình trạng thiếu nhân lực hiện nay, sau khi hết ca chúng tôi phải ở lại thêm 1 - 2 tiếng để hoàn tất các thủ tục còn lại. Có nhiều đồng nghiệp phải đón con đến bệnh viện để hoàn thành nốt công việc rồi mới chở con về", chị Mỹ chia sẻ.
Điều dưỡng trẻ Lê Huỳnh Trâm cho biết, công việc của một điều dưỡng hồi sức thông thường là chăm sóc từ 3 đến 4 bệnh nhân nặng. Hôm nào có ca trở nặng thì công việc sẽ nhiều hơn. Chị Trâm xoay ca sáng - chiều - đêm. Mỗi ca như thế chị chỉ tranh thủ thời gian ăn rồi quay lại với công việc. Có những ngày bận quá, chị Trâm không có cả thời gian để ăn trưa.
Làm ngày làm đêm, lương chỉ… 7 triệu đồng
Theo bà Trần Thị Thu Nga, Phó Trưởng Phòng điều dưỡng Bệnh viện Quận 11, điều dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động khám chữa bệnh. Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân khi làm thủ tục nhập viện, chăm sóc bệnh nhân trong quá trình điều trị và cũng là người theo bệnh nhân đến khi làm thủ tục xuất viện. Ngoài chăm sóc, vệ sinh, tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng, theo dõi sinh hiệu cho bệnh nhân, điều dưỡng còn trò chuyện, động viên tinh thần giúp bệnh nhân mau vượt qua bệnh tật.
Điều dưỡng là người dành thời gian nhiều nhất cho bệnh nhân, là người nhận biết và phản ánh cho bác sĩ biết các dấu hiệu bất thường đầu tiên, đảm nhận công việc như một người mẹ quần quật chăm con cả ngày. Thế nhưng, điều dưỡng cũng là người đầu tiên bị phản ánh, là người đầu tiên bị hành hung y tế về lời nói và cả vũ lực, là người không được trọng vọng như bác sĩ.
Một bác sĩ chia sẻ: "Các con của điều dưỡng cũng phải trưởng thành sớm. Có bé còn rất nhỏ đã phải tự nấu ăn, ngủ ở nhà một mình khi mẹ trực đêm. Lưng, vai, các khớp của điều dưỡng đều đau sau vài năm tuổi nghề và sức khỏe xuống rất nhanh sau những ngày vất vả. Đó là một trong các góc khuất của ngành y không phải ai cũng thấy".
Mặc dù đảm trách khối lượng công việc không hề nhỏ trong quá trình khám chữa bệnh, song thu nhập của điều dưỡng quá thấp so với tính chất và yêu cầu của công việc đặc thù. Mức lương trung bình của điều dưỡng hiện nay chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.
"Bây giờ mọi thứ đều tăng giá nhưng lương chưa được tăng. Mức lương hiện tại so với vật giá leo thang hiện nay thì không đủ sống", chị Mỹ tâm sự.
TS.BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11 cho biết, hiện tại nhân sự điều dưỡng của bệnh viện là 208 người, trong đó số lượng điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng là 182 người, bác sĩ là 143 người, tỷ lệ 1,27 điều dưỡng/bác sĩ.
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 26 điều dưỡng nghỉ việc, lý do chủ yếu do thu nhập thấp, 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập của họ càng bị giảm. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế còn thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị không cao, dẫn tới việc nhân viên y tế xin nghỉ việc, hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Cũng theo bác sĩ Dũng, bệnh viện đăng tuyển điều dưỡng liên tục nhưng rất ít người dự tuyển. Bởi vậy nhận được hồ sơ nào là xét luôn, ai đủ điều kiện trúng tuyển điều dưỡng là nhận và giao việc ngay. "Thế nhưng có người vào bệnh viện làm được vài ngày thì xin nghỉ vì công việc nhiều, thu nhập không cao", bác sĩ Dũng nói.
Bài 2: Không ai học điều dưỡng, bệnh viện cạn nguồn tuyển