"Điều gì khiến anh tìm đến Việt Nam?"
"Tôi không tìm đến Việt Nam. Phở đưa tôi tới đây…" - Manuel nói.
"Vậy đối với ông, phở có ý nghĩa như thế nào?"
"Tôi làm bếp 35 năm, trên khắp thế giới, nhưng đã nấu phở 8 năm, chiếm 1/4 trong hành trình đó. Chỉ cần vậy, bạn đủ hiểu rằng phở quan trọng với tôi thế nào!" - ông Tây Manuel vừa cười, vừa tỉ mẩn bưng cho tôi tô phở đầy ắp thịt, hương thơm ngào ngạt bao phủ cả căn bếp Việt Nam - nơi khiến Manuel tự hào được đứng suốt 8 năm vì một món ăn đặc biệt.
Từ năm 13 tuổi, Manuel đã theo mẹ nối nghiệp hành nghề bếp. Bằng tài năng tuyệt vời, chỉ vài năm sau, ông nhanh chóng trở thành đầu bếp chính cho rất nhiều nhà hàng, khách sạn hàng đầu trên thế giới.
Trong hành trình ấy, tại London, Manuel còn vinh dự trở thành người nấu ăn cho công nương Diana, vua Tây Ban Nha cũng như các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng khác. Thế nhưng, vì ước mơ được đi tìm tất cả hương vị ẩm thực trên thế giới, ông lại tiếp tục lên đường sang làm việc ở châu Á.
Đến năm 2015, Manuel bắt đầu đến Việt Nam. Ông nhớ, lần đầu tiên đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong tình trạng bụng đói cồn cào. "Phở là món đầu tiên tôi thưởng thức. Ngay lúc đó, nó khiến tôi phải thốt lên rằng: Quá tuyệt vời! Trong vài tháng sau này ở Việt Nam, tôi đã đi ăn phở khắp nơi trong thành phố, từ nhà hàng lớn đến quán ăn vỉa hè".
Thu Trang - bạn gái của Manuel chia sẻ, lần đầu gặp Manuel là khi mỗi sáng ông là cà, uống cà phê tại quán của bản thân. Có ý định mở tiệm phở từ trước nên khi được người quen giới thiệu, Trang quyết định thuê ông Tây sang phụ việc.
"Mình thật sự bất ngờ vì chưa từng gặp một khách Tây nào chăm chỉ và dễ thương như vậy! Hôm đó, anh ấy hỏi mình bắt đầu nấu ăn từ mấy giờ? Mình bảo 4h30 là dậy chứ không phải bảo tới phụ. Thế mà, sáng hôm sau, đúng 4h30 đã thấy anh ấy cầm theo một giỏ xách chạy tới làm việc…"
Ngay thời điểm ban đầu, Trang không hề hay biết chuyện Manuel là đầu bếp cho các nhà hàng 5 sao nổi tiếng trên thế giới. Cô chỉ tính thuê Manuel phụ việc và sẽ trả tiền theo giờ. Đến khi cả hai học cách học nấu phở, lần đầu tiên Manuel thấy người thầy người Hoa nấu nồi nước dùng 80 lít lại bỏ 400 gram bột ngọt, anh lập tức phản đối.
"Manuel rất sốc. Vì ở phương Tây, bột ngọt thuộc phạm vi chất cấm, đồng thời với họ, mỗi món ăn luôn cần được tôn trọng vị nguyên bản nhất, tự nhiên nhất, trong khi Việt Nam mình bỏ quá nhiều gia vị. Chúng tôi đã cãi vã về sự khác nhau này rất nhiều…" - Trang chia sẻ thêm.
Sau khi kết thúc khóa học, Trang đã đồng ý với Manuel sẽ tìm cách thay đổi. Ban đầu họ ninh xương nhằm tạo vị ngọt, nhưng nước tạo ra có thêm vị chát. Sau đó, họ tiếp tục mua rau củ tươi và thịt bò để nấu nước dùng. May mắn, vị thanh ngọt tự nhiên ấy bỗng trở thành điểm thú vị thu hút thực khách.
"Người ta lần đầu tìm tới luôn bảo vị phở ở đây sao lạ, không đậm đà. Nhưng đã ăn lâu thì họ tự cảm nhận được vị thịt, rau củ tươi. Đến giờ, chúng tôi cũng không bao giờ có một nồi nước dùng cụ thể, hôm nay có thể ngon hơn hôm qua khi rau củ, thịt tốt hơn. Thế nhưng, 80% khách nước ngoài, 20% khách Việt Nam vẫn tin dùng" - vị đầu bếp Tây chia sẻ.
Cứ thế, suốt 7 năm qua, đều đặn 5 giờ sáng Manuel lại tỉ mẩn nhặt rau, thái hành, nấu nước súp… Khách hàng ngạc nhiên trước hình ảnh người đàn ông phương Tây cao lớn, hì hục với nồi nước dùng thơm lừng, chăm chút cho từng miếng thịt, cọng rau thơm trong chiếc bát sứ.
Manuel cho biết, bản thân thực sự yêu ẩm thực Việt Nam. Thế nhưng, thời điểm đầu nấu món phở Việt, chứng kiến trên bàn nào là quế cây, hoa hồi, thảo quả, hồ tiêu, gừng… hơn chục loại nguyên liệu khác nhau, ông Tây đã "choáng".
"Tôi đã viết tên từng loại lên một tấm bảng để học thuộc, bởi ở bếp Tây chỉ có vài lọ muối, tiêu, bơ đơn giản thôi! Đến bây giờ nhiều năm nhưng đôi khi tôi biết nấu chứ vẫn không thể phân biệt được tên hương liệu…" - Manuel chia sẻ.
Biết người yêu gặp khó khăn trong việc học tiếng, Trang mở quán phở chỉ bán đúng 5 món: Tái, nạm, bò viên, bắp bò, thập cẩm. Manuel cũng mất hơn 6 tháng để học thuộc theo. " Thi thoảng vài 'tai nạn' đáng nhớ vẫn diễn ra. Như có lần một người khách vào gọi tô 'nạm bắp', tôi cứ tưởng là 'năm bắp'. Tôi liền vào bếp nấu cho anh ấy 5 tô phở bắp bò. Khách thấy các tô phở bày trước mắt vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười…" - vị đầu bếp Tây nói.
Lần khác, Manuel nhìn thấy nghệ nhân làm sợi phở điêu luyện nên rất tò mò. Thế là sau đó, ông dành cả buổi trong bếp để thực hành, cán bột và cắt bánh phở bằng chiếc máy làm mì Ý. "Sợi phở làm ra thì vẫn trắng đẹp, nhưng lúc to lúc nhỏ. Bỏ vào nước thì nó rã ra, không dai ngon. Khó khăn vậy chứ anh ấy vẫn đang quyết tâm học làm cho bằng được sợi phở đúng nguyên bản Việt Nam…" - chị Trang cười.
Bằng tình yêu ẩm thực, sự tinh túy đến từng sợi bánh phở, nên dù quán ăn của ông Tây kỳ lạ đã chuyển chỗ 3 lần, rất nhiều thực khách vẫn tìm đến. Manuel chia sẻ, có nhiều người tận Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk…. thấy ông trên tivi, mạng xã hội nên có dịp vào TPHCM liền tìm đến tiệm phở của cặp đôi Ý - Việt để thưởng thức.
Gần 10 năm ở Việt Nam, Manuel nhận vô vàn lời mời làm việc tại các nước Thái Lan, Trung Quốc… Thế nhưng, ông vẫn chưa từng có ý định rời bỏ đất nước hình chữ S. Đối với anh, Việt Nam là quê hương thứ 2 và sợi phở là món ăn gắn bó thân thuộc như sợi mỳ Ý quê hương ông.
"Tôi đã chu du khắp châu Á và chọn ở lại Việt Nam. Tôi có tình yêu với một cô gái người Việt, một tiệm phở nho nhỏ để giới thiệu nó với bạn bè quốc tế. Đối với tôi, đó đã là hạnh phúc", Manuel cười.