Ông Hoàng Đạo Cương, thứ trưởng Bộ Văn hóa cuối tuần qua đã gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật ấn Hoàng đế chi bảo và một chiếc bát vàng ngự dụng thời Minh Mạng như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 02 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).
Trước đó, giới cổ vật Việt Nam và những người yêu quý di sản xôn xao vì tin ngày 20/10, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết nhiều nguồn thông tin khẳng định vào ngày 31/10 tới đây, tại sàn Drouot (Pháp) sẽ tổ chức đấu giá chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" niên đại triều vua Minh Mạng.
Trên trang đấu giá Drouot, "Hoàng đế chi bảo" có giá dự kiến từ 2 - 3 triệu euro.
Thông tin đưa "Hoàng đế chi bảo" ra đấu giá thu hút sự quan tâm giới sưu tầm đồ cổ bởi đây là cổ vật Việt Nam có giá trị nhất từ trước đến nay được đưa ra đấu giá.
Thay mặt Bộ VHTTDL, tiến sỹ Hoàng Đạo Cương, người phụ trách mảng Di sản văn hoá đề nghị các đồng sự "Nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế) để "hồi hương" 2 cổ vật căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá"
Hẳn ông Cương lo ngại tiền lệ gần đây có phiên đấu giá cái mũ quan triều Nguyễn mà giá khi bán đội lên gấp 1.000 lần so với giá khởi điểm. Không ngân sách nào chịu nổi số tiền đó. Và thực ra đó cũng không phải việc chi của ngân sách
Chiếc ấn sắp được đấu giá là chiếc ấn quan trọng nhất, biểu tượng cho Hoàng đế - Hoàng đế chi bảo. Đây chính là chiếc ấn mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao cho đại diện chính quyền cách mạng- ông Trần Huy Liệu tại quảng trường Ngọ Môn vào ngày 30/8/1945
Ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Đây là chiếc bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn.
Ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ Vương, kỳ (vây lưng) dựng đứng, đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng.
Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). Dòng chữ thứ 2 là Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân. Nếu tính 27 lượng tương đương 1kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg.
Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo được dùng khi "gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…".
Thật đáng tiếc do hoàn cảnh lịch sử: Chiến tranh, nhận thức của những người có trách nhiệm bảo quản bảo vật quốc gia, ý thức công dân của bản thân những người trong gia đình cựu hoàng Bảo Đại mà Hoàng đế chi ấn có một số phận hết sức long đong.
Dù ngay ngày hôm sau, bộ ấn kiếm được đem ra Hà Nội để kịp dự lễ độc lập vào ngày 2/9/1945 nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam (tháng 9/1945) và đưa quân ra thủ đô vào cuối năm 1946, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội, trước khi rút lên Việt Bắc. Trớ trêu là, khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt, chúng lại phát hiện ra bộ ấn kiếm trên.
Ngày 3/3/1952, tại Đà Lạt, thực dân Pháp đã tổ chức một buổi lễ khá long trọng để trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại - lúc này là "Quốc trưởng" của một chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên.
Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm được an toàn, cựu hoàng Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long.
Theo TS Phan Thanh Hải- nguyên giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản cố đô Huế :"Sau khi bà Nam Phương mất (năm 1963), bộ ấn kiếm này do Bảo Long quản lý và ông đã gửi chúng tại két sắt của Ngân Hàng Châu Âu (Union des Banques Européennes).
Cũng vì bộ ấn kiếm này mà hai cha con Bảo Đại - Bảo Long đã kiện cáo nhau rất phức tạp để giành quyền sở hữu. Kết quả là tòa án đã xử cho Bảo Đại được giữ chiếc ấn còn con trai ông được giữ chiếc kiếm.
Sau đó vị hoàng tử Bảo Long đã bán mất cây kiếm trên. Còn chiếc ấn, sau khi Bảo Đại qua đời, nó lọt vào tay bà đầm Monique Baudot - người vợ sau cùng của cựu hoàng.
Bộ ấn kiếm cuối cùng và cũng có thể xem là bộ ấn kiếm quý giá nhất của triều Nguyễn đúng ra phải thuộc về quyền sở hữu của nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, nó cùng với vô số các bảo vật khác vẫn đang lưu lạc xứ người.
Nhiều chuyên gia về di sản và các nhà sưu tầm cổ vật trong nước cho rằng, đại diện Bộ Văn hoá và Bộ Ngoại giao chỉ cần tìm chủ nhân chiếc ấn, đề nghị ngừng đấu giá trên sàn. Bộ Văn hóa trả cho sàn đấu giá khoản tiền theo hợp đồng mà sàn đã ký với chủ nhân chiếc ấn.
Sau đó sẽ đàm phán mua ấn với chủ nhân. Nhân danh Bộ Văn hóa thì cũng sẽ chính danh, thương thảo thuận lợi hơn.
Vấn đề là, thủ tục đúng nguyên tắc của Bộ Tài chính để xin rút được mấy triệu đô la từ Ngân sách ra đi mua ấn là cực kỳ phức tạp và vô cùng mất thời gian vì chưa có tiền lệ và Ngân sách không phải là "của kho vô tận" cho một vấn đề chưa hẳn đã được xã hội cũng như những người có trách nhiệm ở Bộ Tài chính coi là thiết yếu.
Vậy giải pháp khả thi nhất là gì?
Nhìn dòng chảy "tranh Đông Dương" từ các sàn đấu giá châu Âu, Mỹ được các đại gia Việt giấu tên đưa trở về Việt Nam với những cái giá "trên trời", 1 đến vài triệu đô la, có thể thấy có không ít người sẵn sàng mở hầu bao với những di sản văn hoá- nghệ thuật thực sự giá trị. Ấn Hoàng đế chi bảo còn hơn thế, nó mang giá trị lịch sử cực kỳ to lớn, có thể nói là thiêng liêng
Vì vậy, một lời kêu gọi "xã hội hoá" từ Bộ Văn hoá và Bộ Ngoại giao để mang chiếc ấn Hoàng đế chi bảo trở về quê hương hoàn toàn khả thi và cần thiết.
Các đại gia đã bỏ tiền cho nghĩa cử tất nhiên không có quyền để chiếc ấn trong bộ sưu tập riêng của mình, nhưng Nhà nước hoàn toàn có thể vinh danh họ, để tên nhà bảo trợ thật trang trọng trong mọi cuộc trưng bày, mọi dịp lễ tiết.
Luật di sản nên được sửa đổi bổ sung, để ai cũng có quyền mang cổ vật nước nhà từ nước ngoài về.
Và hệ quả tốt đẹp tiếp theo, là nếu các đại gia có lòng với di sản cha ông, thì hoàn toàn có thể gom tiền lập một quỹ hỗ trợ di sản, người rất giàu góp vài chục triệu đô la, người giàu vài triệu, người ít giàu hơn vài tỷ đồng tiền Việt Nam, mọi di sản thất lạc đều có thể được truy tìm, thương lượng mua bán mang về quê hương. Luật Thuế và Luật Di sản chắc chắn sẽ có những bổ sung theo tiền lệ quốc tế để phù hợp với xu thế mà cả thế giới đã thực hiện từ lâu.
Chỉ sợ không có chính sách, không có tấm lòng. Có cả hai thứ đó, những ấn kiếm, những bảo vật của cha ông sẽ có ngày lần lượt quy cố hương.