Dân Việt

Ai là người làm phát lộ ra những bí ẩn tòa thành cổ Trà Kiệu của văn minh Chămpa trên đất Quảng Nam?

Lê Thí 25/10/2022 09:31 GMT+7
Phải đợi đến những khai quật của phái đoàn khảo cổ học Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp do Jean-Yves Claeys dẫn đầu thì một phần “bí ẩn”của di tích Trà Kiệu thuộc nền văn minh Chămpa ở Quảng Nam mới được hé lộ.
Mặc dù được giới khảo cổ học biết đến từ cuối thế kỷ 19 với những công bố của Cammille Paris (1891), Louis Finot (1899) và Henri Parmentier (1904), nhưng phải đợi đến những khai quật của phái đoàn khảo cổ học Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp do Jean-Yves Claeys dẫn đầu thì một phần “bí ẩn”của di tích thành cổ Trà Kiệu  mới được hé lộ.
Ai là người làm phát lộ ra những bí ẩn tòa thành cổ Trà Kiệu của văn minh Chămpa trên đất Quảng Nam? - Ảnh 1.

Jean-Yves Claeys (bên phải) và cha con nhà khảo cổ H. Parmentier tại công trường khảo cổ di tích thành Trà Kiệu.

Cuộc khai quật đầu tiên thành Trà Kiệu

Theo Trần Đình Phụng trong “Đối thoại với nền văn minh cổ Chămpa” (Nxb KHXH năm 2015) thì: “Trà Kiệu là tòa thành được khai quật nghiên cứu nhiều nhất trong hệ thống thành cổ của Chămpa” (trang 190). 

Cuộc khai quật  đầu tiên, quan trọng và lâu dài nhất diễn ra vào năm 1927 - 1928 do Trường Viễn Đông Bác cổ (Ecole Francais Extreme Orient) thực hiện; nhà khảo cổ, kiến trúc sư  J.Y.Claeys chỉ huy trực tiếp.

Cuộc khai quật kéo dài suốt 10 tháng từ tháng 6.1927 đến tháng 4.1928, sau này được nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội do TS. Lâm Thị Mỹ Dung dẫn đầu đánh giá: “Toàn bộ nền móng của các nhóm tháp ở phía bắc nội thành đã được phát lộ, ngoài ra hơn một chục điểm thám sát khác đã được tiến hành trong phạm vi tòa thành.

Kết quả đã phát hiện nhiều tượng đá, gốm và vết tích những chân móng tường gạch... Claeys đã bước đầu phác họa được quy hoạch của tòa thành cổ Trà Kiệu và chứng minh thành Trà Kiệu chính là kinh thành Simhapura của vương quốc Chămpa từng được nhắc đến trên các bi ký Chăm và cũng chính là kinh đô của Lâm Ấp được mô tả trong “Thủy Kinh Chú” (J. Claeys 1927, 1928)” (Báo cáo khoa học “Lâm Ấp qua các tài liệu khảo cổ học”, ngày 18.11.2010).

Đúng vậy, nhóm khảo cổ của Claeys đã khai quật một đoạn dài hơn 200m ở phía đông của đồi Bửu Châu và đào hơn 10 điểm thám sát khác, họ đã phát hiện Trà Kiệu là tòa thành có bề dài 1,5km theo chiều bắc - nam và 0,5km theo chiều đông - tây đúng như những gì mà Lệ Đào Nguyên mô tả về thành Điển Xung trong Thủy Kinh Chú vào thế kỷ thứ 7.

Ngoài việc kiểm chứng lại thông tin về thành Điển Xung, đoàn cũng phát hiện nền móng của một tòa tháp có kích thước 13x14,5m mà sau này một số nhà nghiên cứu dựa vào bức không ảnh chụp khu vực Trà Kiệu đã cho rằng đây là dấu tích của ngôi tháp cao khoảng 40m, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Qua khai quật, hàng trăm tượng đá và sa thạch cũng được phát hiện. Phần lớn những tượng này được đưa về lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Parmentier - tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng, làm cho “Gian Trà Kiệu trở thành gian độc đáo nhất trong không gian trưng bày của bảo tàng”.

Một số tượng có quy mô nhỏ hơn được đưa về trưng bày ở một số bảo tàng khác trong và ngoài nước như Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Bảo tàng Khải Định (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), Bảo tàng Blanchard de la Bross  (Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Guimet, Paris (Pháp), Bảo tàng George Labit, Toulouse (Pháp). 

Những bức tượng này càng ngày càng được nghiên cứu và khám phá ra nhiều điểm độc đáo, tạo ấn tượng sâu sắc đối với các nhà nghiên cứu và du khách.

Qua đợt nghiên cứu này Claeys cũng để lại một bức không ảnh, một bức vẽ về khu vực Trà Kiệu và nhiều bức vẽ khác về các bức tượng và phù điêu tìm được. 

Những bức không ảnh và bức vẽ này rất có giá trị đối với các nhà nghiên cứu sau này, nhất là trong việc tìm lại hình ảnh Trà Kiệu 100 năm trước.

Sau này, nhiều cuộc khai quật Trà Kiệu vào các năm 1990 (Đại học Quốc gia Hà Nội), 1993 (Viện Khảo cổ), 1996, 1997, 1999, 2000 (GS. Ian Glover, TS.  Yamagata Mariko, TS. Ruth Prior, TS. William Southworth, TS. Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Chiều), 2003 (Đại học Quốc gia Hà Nội), 2013 (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Đại học Kamazawa, Bảo tàng Quảng Nam) đã cung cấp thêm rất nhiều thông tin quý báu, nhiều bí ẩn của Trà Kiệu được khám phá. Tuy nhiên lần khai quật của Jean-Yves Claeys năm 1927 vẫn được xem là “nền tảng”, “dấu mốc” quan trọng hàng đầu.

Jean-Yves Claeys - người “đặt nền móng”

Jean-Yves Pierre Alfred Claeys (1896 - 1978) là kiến trúc sư và nhà khảo cổ học người Pháp. Ông sinh ngày 3.5.1894 tại làng Les Ponchettes ở Nice, thành phố xinh đẹp nằm ở Đông Nam nước Pháp.

Lúc nhỏ ông có năng khiếu về hội họa nên được gia đình cho vào học tại Trường Nghệ thuật trang trí ở Nice. Ông luôn là một học sinh xuất sắc của trường. 

Sau đó ông thi đỗ vào học tại Trường Mỹ thuật Paris. Năm 1923, ông tốt nghiệp bằng Kiến trúc sư tại đây với hạng danh dự. Cũng năm này trước khi tốt nghiệp ông đã tổ chức một cuộc triển lãm tại Salon des Architectes của trường và rất được hoan nghênh.

Sau khi tốt nghiệp ông được bổ sang công tác ở Đông Dương với tư cách là Kiến trúc sư phục vụ các công trình công cộng. 

Ông đảm nhận công việc này suốt hơn 4 năm từ tháng 2.1923 đến tháng 5.1927. Tháng 6.1927, ông trở thành thành viên tạm thời của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, mãi đến năm 1932 mới trở thành thành viên thường trực.

Suốt 10 tháng, từ tháng 9.1927 đến tháng 6.1928 ông chỉ huy một đoàn khảo cổ thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ đến khai quật khảo sát tại di tích Trà Kiệu (Duy Xuyên). 

Cuộc khai quật đã khám phá nền móng của một tòa thành và cụm tháp Chăm cũng như thu được số lượng rất lớn tác phẩm điêu khắc rất có giá trị.

Sau đó vào năm 1934, ông lãnh đạo một đoàn khảo cổ đến khảo sát Tháp Mắm, một quần thể tháp Chăm đã bị sụp đổ tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, Bình Định. Sau khi dự án hoàn thành ông được bổ nhiệm làm người phụ trách bộ phận khảo cổ về các  di tích Annam và Chămpa.

Đồng thời với công tác khảo cổ, Jean-Yves Claeys cũng đã thực hiện một cuộc điều tra dân tộc học và công nghệ do Bảo tàng Trocadéro Đông Dương, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia ủy quyền Trường Viễn Đông Bác cổ.

Năm 1937, ông đảm nhận chức vụ Thư ký kiêm Thủ thư của Trường Viễn Đông Bác cổ và cuối năm này trở thành Trưởng bộ phận Khảo cổ của trường - một vị trí mà ông đã tạm thời đảm nhiệm vào năm 1933. 

Năm 1943, Jean-Yves Claeys phải ngưng tất cả hoạt động vì bệnh phổi. Năm này ông cũng công bố một số nghiên cứu khảo cổ học về Thái Lan và giới thiệu một số nghiên cứu về  Chămpa ở Việt Nam.

Tháng 9.1946, ông phải trở về Pháp để chữa bệnh do bệnh phổi tái phát nặng và không thể quay lại Đông Dương dù được Trường Viễn Đông Bác cổ bổ nhiệm làm Giám đốc Các nghiên cứu của các lớp học đặc biệt. Ông mất ngày 7.10.1978 tại nhà riêng ở quận 7 Paris.