Ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, con trai bà Nguyễn Phương Hằng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) vừa gửi đơn đến Công an TP.HCM và Viên KSND cùng cấp xin được nộp tiền bảo đảm nhằm thay thế biện pháp ngăn chặn, cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh.
Cụ thể, trong đơn ông Tuấn trình bày, "mẹ tôi phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, có địa chỉ cư trú rõ ràng. Trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.
Sau khi bị bắt đến nay mẹ tôi cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm và cam kết không tái phạm… Hành vi của mẹ tôi không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm".
Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Tuấn mong Cơ quan điều tra, VKS xem xét thêm cho điều kiện hoàn cảnh của mẹ mình đang phải điều trị nhiều bệnh như cao huyết áp, rối loạn lo âu, tiền đình, thiếu máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung…
Theo ông Tuấn, trước đó bà Nguyễn Phương Hằng phải thường xuyên uống thuốc điều trị gần chục năm. Bà Hằng là người chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi cùng 2 con nhỏ. Do đó, ông Tuấn xin được đặt số tiền bảo đảm là 10 tỷ đồng để thay thế biện pháp ngăn chặn cho mẹ mình cho đến khi kết thúc vụ án.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trước đó bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt từ 2-7 năm tù.
Theo phân loại tội phạm quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự, đây là tội nghiêm trọng, pháp luật tố tụng hình sự quy định không bắt buộc phải tạm giam đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, người bị bệnh nặng.
Nếu bị can có nơi cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu tiếp tục phạm tội, không có dấu hiệu bỏ trốn, không cản trở hoạt động điều tra... có thể được xem xét trên cơ sở đơn đề nghị của người thân thích.
Theo luật sư Khuyên, đặt tiền để bảo đảm là một biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 và Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thể quyết định cho chính bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ được đặt tiền để bảo đảm.
Những bị can, bị cáo được cơ quan tố tụng chấp thuận đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan thực hiện các nhiệm vụ như có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, không mua chuộc cưỡng ép xúi giục người khác khai báo gian dối hoặc cản trở các hoạt động điều tra truy tố xét xử khác.
Bên cạnh đó, người thân thích của bị can, bị cáo được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can bị cáo vi phạm các nghĩa vụ.
Đối chiếu quy định trên, luật sư Khuyên cho rằng, con trai bà Nguyễn Phương Hằng hoàn toàn có thể đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam đối với mẹ mình.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bà Hằng cùng những điều kiện cụ thể về thay đổi biện pháp ngăn chặn mà pháp luật tố tụng hình sự quy định để chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đặt tiền bảo đảm của con trai bà Hằng.
Còn luật sư Kim Ron Tha (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định trong thực tế, việc bảo lãnh bị can, bị cáo theo hình thức đặt tiền đảm bảo ở Việt Nam ít được chấp thuận…
"Đối với việc bảo lĩnh bị can, bị cáo theo hình thức đặt tiền đảm bảo ở Việt Nam mặc dù đã có Bộ luật tố tụng hình sự và văn bản hướng dẫn quy định cụ thể từ rất lâu nhưng hiện nay rất ít người thực hiện hoặc được chấp thuận từ Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền" - luật sư Tha cho hay.
Cụ thể, theo luật sư Tha, về cơ sở pháp lý có đầy đủ để người thân thích của bị can Nguyễn Phương Hằng thực hiện việc bảo lãnh.
Tuy nhiên, bị can Nguyễn Phương Hằng có được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú bằng hình thức là con (người thân thích) đặt tiền bảo lãnh hay không, không chỉ phụ thuộc đặt số tiền 10 tỷ đồng hay hơn nữa mà tùy vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, sự thành khẩn khai báo, nhân thân người phạm tội và quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng cấp có thẩm quyền.
Giải thích sâu về những vấn đề nêu trên, luật sư Tha phân tích: Bị can Nguyễn Phương Hằng bị truy tố tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Kim Ron Tha cho rằng: "Bị can Nguyễn Phương Hằng bị truy tố theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Với tội danh trên bị can Hằng phải đối mặt với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Rất khó để được chấp thuận tại ngoại".