Báo cáo tại buổi giám sát, ông Đặng Thanh Hùng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin bệnh viện cho biết, bệnh viện phát triển công nghệ thông tin từ năm 1994 đến nay, hằng năm chi phí vận hành rất lớn. Mục tiêu phát triển công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân và quản lý tốt cơ sở dữ liệu thông tin mỗi năm một tăng.
Hiện nay, bệnh viện đã số hóa hầu hết chứng từ như giấy tờ chuyên môn, quản lý giám sát, quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân. Hiện có 4 khoa đã áp dụng thí điểm bệnh án điện tử, dự kiến 2 năm tới sẽ triển khai toàn bệnh viện.
Cũng giống như các cơ sở y tế khác, Bệnh viện Nhi đồng 1 gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự công nghệ thông tin và kinh phí triển khai. Phòng công nghệ thông tin hiện có 12 người, quản lý 700 máy tính. Đây là một thách thức khi thực hiện đề án.
Ông Hùng cho biết: "Một sinh viên công nghệ thông tin đi thực tập năm đầu đã được trả 500 USD, kinh nghiệm 2 năm sẽ tăng lên 1.500 – 2.000 USD. Thế nhưng, các bệnh viện đều phải lãnh lương theo hệ số, việc trả mức lương cao như vậy không hợp lý. Điều này dẫn đến tình trạng các bệnh viện muốn có một đội ngũ xây dựng chuyên môn cao rất khó khăn".
Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM là một trong những bệnh viện hiếm hoi chủ động phát triển hạ tầng công nghệ thông tin bằng nguồn nhân lực hiện có, tự làm các chương trình sát với thực tế. Tuy nhiên, việc cập nhật những ứng dụng công nghệ mới sẽ hạn chế so với các công ty chuyên công nghệ khác.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết: "Mong muốn của bệnh viện là sử dụng y tế thông minh thực hiện thuận lợi cho người bệnh. Điển hình như việc đăng ký khám bệnh, với lượng bệnh gần 6.000 lượt/ngày mà dồn vào một lúc sẽ không xuể. Chi phí dành cho CNTT rất khó cho bệnh viện tính toán. Đầu tư CNTT là vô cực nhưng làm sao đầu tư đúng nhu cầu thực tế".
Tại buổi giám sát, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, việc cải thiện thu nhập để giữ chân đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin có năng lực là bài toán khó chưa giải được. "Nếu đưa lên bàn cân hỏi bệnh nhân muốn điều trị khỏi hay anh muốn thuận tiện trong khám chữa bệnh, chắc chắn họ trả lời rằng muốn hết bệnh. Do đó, nếu trả lương cho đội ngũ công nghệ thông tin bằng với thị trường chung, thậm chí vượt cả chi phí cho bác sĩ, chuyên gia thì không thể", bác sĩ Tuyết nói.
Về mặt đầu tư hạ tầng, mạng lưới dữ liệu, bác sĩ Tuyết cho rằng, nếu giao hẳn và đổ gánh nặng chi đầu tư cho các bệnh viện thì các đơn vị không lo nổi. Lý do là hiện nay chi phí công nghệ thông tin chưa có trong cơ cấu giá. Các bệnh viện dù đã tự chủ chi thường xuyên nhưng chi đầu tư vẫn phải dựa vào ngân sách Nhà nước.
Do đó, bác sĩ Tuyết mong các sở, ban, ngành có sự tham mưu cho UBND, HĐND TP để kiến nghị xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ, để các bệnh viện có được sự đầu tư toàn cục.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM cho biết, mục tiêu của đề án y tế thông minh hướng đến ngành y tế có trung tâm điều hành chung, bệnh nhân thuận lợi khi thực hiện dịch vụ. Làm sao để bác sĩ không làm những công việc không tên, tập trung chăm lo người bệnh và thời gian chuyên môn. Vì thế, các bệnh viện cần tiếp tục phát huy vai trò của công nghệ thông tin, tích hợp các thẻ dùng chung thông minh với các tiện ích khác...