Hôm nay (25/10), Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, thời gian qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý một số vụ án sai phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế như vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Việc xử lý các vụ việc này nhằm góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lợi dụng việc Bộ Công an xử lý một số vụ án như kể trên, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ.
Mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nhất là thông tin cho rằng Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn, ông Xô khẳng định đây là thông tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật.
Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi trên của các đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức liên quan.
Bên cạnh đó, việc đưa tin thất thiệt, không chính còn có thể gây ra những ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp bị tung tin đồn sai sự thật.
Theo luật sư Hòe, căn cứ vào mức độ, tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại cho các tập đoàn, doanh nghiệp (nếu có).
Cụ thể, nếu lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Mức phạt bị áp dụng là phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, còn cá nhân là từ 10 đến 15 triệu đồng. Và phải khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ các nội dung sai sự thật đã đăng tải.
Trong trường hợp, hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt tù từ 1 - 3 năm.
Ngoài ra, cũng theo vị luật sự, trường hợp nếu đưa thông tin sai sự thật về doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhằm mục đích thu lợi bất chính, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tôi "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.