Ngày 16/01/1962, Khoa Báo chí ra đời theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến tháng 1/2019, Khoa Báo chí đổi tên thành Viện Báo chí theo Quyết định số 6591-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông (trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Viện Báo chí là đơn vị đào tạo cán bộ báo chí - truyền thông lâu đời, uy tín trong cả nước. Viện có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ quan báo chí - truyền thông; Nghiên cứu khoa học phát triển lý luận về lĩnh vực báo chí - truyền thông.
Hơn nửa thế kỷ qua, Khoa Báo chí - Viện Báo chí đã đào tạo được gần hai vạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các khóa, các hệ và các cấp đào tạo đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp báo chí, truyền thông vì sự nghiệp đổi mới cho đất nước.
Đồng thời, tham gia chương trình đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho một số các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… và một số nước khác.
Sinh viên, học viên tốt nghiệp từ Viện Báo chí đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, nhà quản lý, nhà báo có uy tín trong hệ thống báo chí, hệ thống chính trị ở Việt Nam và các nước khác.
Viện Báo chí luôn là đơn vị đặc biệt chú trọng chất lượng chuyên môn khoa học trong các phong trào thi đua. Nhiều năm liên tục, Viện Báo chí đạt danh hiệu "Đơn vị lao động xuất sắc" trong Học viện Báo chí và Tuyên truyền và trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đã đoạt các giải thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học, giảng dạy; giải thưởng báo chí, truyền thông, văn học nghệ thuật trong và ngoài nước.
Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung, Viện Báo chí nói riêng đã có nhiều chương trình thỏa thuận hợp tác với các cơ quan báo chí - truyền thông, cũng như nhiều trường đại học trong nước và quốc tế.
Các chương trình thỏa thuận hợp tác chủ yếu tập trung vào công tác phát triển đào tạo chuyên ngành báo chí - truyền thông đối với bậc học đại học, sau đại học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý báo chí - truyền thông. Nội dung hợp tác đặt trọng tâm gắn kết chặt chẽ, ứng dụng hiệu quả giữa lý thuyết với thực hành.
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí cho biết: "Trong những năm tới, Viện Báo chí sẽ tiếp tục chiến lược phát triển toàn diện về quản trị, phát triển đội ngũ giảng viên về lượng và chất, tăng cường xuất bản giáo trình và tài liệu tham khảo, hiện đại hóa cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh truyền thông số.
Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Viện Báo chí là hoạt động quan trọng và qua mỗi lần tổ chức lại được hoàn thiện, phát triển thêm cả về chiều rộng cũng như chiều sâu.
Đây cũng là dịp để chúng tôi điểm lại những thành tựu đạt được, những việc chưa làm được để đề ra những mục tiêu, định hướng giải pháp nhằm phát triển Học viện lên một tầm cao mới, giữ vững thương hiệu và nâng cao uy tín của Viện Báo chí".
"Phát triển truyền thông số, song giá trị báo chí Cách mạng, báo Đảng vẫn được Viện Báo chí giữ gìn và truyền tải trong các thế hệ giảng viên, sinh viên của trường" - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.