Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết, trong tháng 9/2022, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet trong tháng 9/2022 là 530.870 địa chỉ, giảm 14% so với tháng 8/2022 và giảm 53,3% so với cùng kỳ 2021.
Số lượng các cuộc tấn công mạng được phát hiện là 988 cuộc, tăng 9% so với tháng 8/2022 và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ chiến dịch toàn dân cùng "quét sạch" mã độc trên không gian mạng Việt Nam được phát động để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10).
Riêng về doanh thu trong tháng 9/2022 đạt 377 tỷ đồng (tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2021), lợi nhuận 23 tỷ đồng (tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2021); Nộp ngân sách nhà nước 16,1 tỷ đồng (tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2021).
Ngoài ra, tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa với nước ngoài 46,2% (tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021) và số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin là 124 (tăng 18,1% cùng kỳ năm 2021) với hơn 3.300 lao động (tăng 9,14 % so với cùng kỳ 2021).
Bên cạnh đó, tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 9/2022 đạt 5.196.987 chứng thư số (tăng 16,24 % so với cùng kỳ năm 2021, là 4.407.809 chứng thư số). Trong đó, tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 9/2022 là 1.871.896 chứng thư số (tăng 17,67% so với cùng kỳ năm 2021); Tổng số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ là 437.035 chứng thư số (tăng gần 25,73% so với cùng kỳ năm 2021).
Về kế hoạch trong quý 4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện triển khai nhiệm vụ "Xây dựng Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)"; Làm việc với Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình nội dung của 02 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát và Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam. Tiếp tục triển khai chiến dịch bóc gỡ mã độc toàn quốc năm 2022.
Đặc biệt, phối hợp với Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) triển khai chuỗi sự kiện hướng đến ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022. Triển khai chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022 với mục đích vì cộng đồng, được triển khai trên diện rộng, hướng tới toàn thể các cơ quan, tổ chức và người dân trên cả nước; cung cấp các công cụ miễn phí để kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng; chung tay xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn và lành mạnh, góp phần chuyển đổi số quốc gia nhanh, bền vững.
Đại dịch đã thúc đẩy việc ứng dụng số ở Đông Nam Á và mang lại cho người dùng những thói quen mới: học và làm việc từ xa, mua bán online và thương mại điện tử phát triển,… tội phạm mạng lợi dụng nhắm vào người dùng nhằm trục lợi.
Đặc biệt, người sử dụng hệ thống thanh toán, cửa hàng và ngân hàng trực tuyến là những mục tiêu chính liên quan đến lừa đảo tài chính.
Trong nửa đầu năm 2022, nghiên cứu dữ liệu của Kaspersky cho thấy 1,6 triệu cuộc tấn công giả mạo liên quan đến tài chính đã được phát hiện và ngăn chặn ở Đông Nam Á. Trong đó, số lượng tấn công lừa đảo liên quan đến hệ thống thanh toán là 840.254 vụ, theo sau là các cửa hàng thương mại điện tử với 621.640 vụ và ngân hàng trực tuyến với 142.354 vụ.
Ngoài ra, các cuộc tấn công giả mạo liên quan đến hệ thống thanh toán được ghi nhận chiếm tỷ lệ cao nhất tại tất cả các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Thái Lan và Indonesia - nơi tấn công lừa đảo tập trung vào thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn 56.392 cuộc tấn công giả mạo nhắm đến ngân hàng. Số liệu ghi nhận tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Singapore lần lượt là 27.458, 20.603, 13.899, 13.200, và 10.802 vụ.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biế, trên thực tế, các quốc gia đã sẵn sàng liên kết hệ thống thanh toán bằng mã QR trước cuối năm nay để tránh sự phức tạp trong giao dịch tiền tệ. Sự phát triển này đáng hoan nghênh vì những lợi ích kinh tế lớn có thể đạt được cho người dân, nhưng đồng thời trở thành cơ hội cho giới tội phạm mạng.
Ông Yeo Siang Tiong cũng khuyến cáo người dùng, tổ chức và doanh nghiệp luôn cẩn trọng khi nhận email đáng ngờ. Đặc biệt, hãy cẩn thận với các tin nhắn có kèm đường dẫn đến website vì có rất nhiều phần mềm độc hại có thể xâm nhập vào danh bạ cũng như các ứng dụng trên thiết bị di động; Sử dụng các giải pháp bảo mật tích hợp khả năng chống giả mạo để đảm bảo an toàn giao dịch thanh toán.
"Người dùng, tổ chức và doanh nghiệp luôn cẩn trọng khi nhận email đáng ngờ. Đặc biệt, hãy cẩn thận với các tin nhắn có kèm đường dẫn đến website vì có rất nhiều phần mềm độc hại có thể xâm nhập vào danh bạ cũng như các ứng dụng trên thiết bị di động; Sử dụng các giải pháp bảo mật tích hợp khả năng chống giả mạo để đảm bảo an toàn giao dịch thanh toán".
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á.