Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Theo báo cáo, tính đến 30/6/2022, tổng số người được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỉ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó các bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.
Số liệu thống kê cho thấy số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế. Trong đó bộ, ngành trung ương là 106.890 và địa phương là 140.832, giảm 27.530 biên chế.
Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%. Biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%.
Công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015, như vậy tính chung cả nước đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo nghị quyết của Đảng.
Cũng theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người, chiếm 78,81%). Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Về sắp xếp theo trình độ đào tạo, có 653 tiến sĩ nghỉ việc, thôi việc, chiếm 1,65%. Bác sĩ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%.
Thạc sĩ có 4.018 người, chiếm 10,16%; bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%. Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%...
Theo độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống có 25.617 người, chiếm 64,77%. Từ 41-50 tuổi có 7.861 người, chiếm 19,87%...
Cũng theo thống kê, tỉ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỉ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỉ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.
Cụ thể, với giáo dục có 16.427 người nghỉ việc, chiếm 41,53% (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Y tế có 12.198 người nghỉ việc, chiếm tỉ lệ 30,84% (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).
Bộ Nội vụ cho rằng việc công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua cũng là xu hướng tích cực "vào - ra theo cơ chế thị trường". Song cũng đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc.
Liên quan đến vấn đề tiền lương, tại phiên thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 ngày 27/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục mổ xẻ nguyên nhân và giải pháp cho việc gần 40.000 người ở khu vực công nghỉ việc, đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp cho tình trạng cán bộ "làm cầm chừng, không dám đột phá".
Theo các ĐBQH, nguyên nhân công chức, viên chức chuyển sang khu vực tư là do thu nhập thấp, môi trường làm việc, áp lực công việc… "Ví dụ ở BV Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Nhiều bệnh viện thì y bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày một bác sĩ có thể khám vài chục thậm chí cả trăm bệnh nhân cho nên rất áp lực" - một ĐBQH dẫn chứng.
Trước đó Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%.
Hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Chính phủ đề xuất dành 12.500 tỷ đồng để tăng lương từ 1/7/2023.